Sa sút trí tuệ là tình trạng suy giảm về chức năng nhận thức gồm suy giảm khả năng suy nghĩ, ghi nhớ, suy luận và đưa ra quyết định. Ảnh hưởng của chứng sa sút trí tuệ làm giảm mức độ nhận thức và cản trở khả năng hoàn thành các hoạt động hàng ngày. Sa sút trí tuệ là một phần bình thường của quá trình lão hóa, phổ biến hơn ở người từ 65 tuổi trở lên, tuy nhiên nhiều người trẻ cũng có thể mắc chứng bệnh này.
Chứng sa sút trí tuệ là do sự kết hợp của nhiều yếu tố góp phần làm chết các tế bào não. Tế bào não suy thoái, tổn thương và chết làm giảm khả năng hoạt động bình thường của não. Các tế bào não trong vùng trí nhớ, chuyển động và phán đoán không thể giao tiếp với nhau đúng cách, mọi người có thể gặp vấn đề về hành vi, suy nghĩ và trí nhớ. Dưới đây là các nguyên nhân gây sa sút trí tuệ.
Di truyền: Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), người có tiền sử gia đình mắc chứng sa sút trí tuệ tăng khả năng mắc bệnh này. Người có người thân cấp một (cha mẹ, anh chị em hoặc con cái ruột) mắc bệnh Alzheimer tăng nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ 10-30%. Ngoài ra, người có gene apolipoprotein E (APOE) có thể tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ.
Bệnh lý và lối sống: Nghiên cứu của Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ) chỉ ra, huyết áp cao, tiểu đường và béo phì, hút thuốc, uống rượu ở tuổi thanh niên và trung niên có thể làm cho khối lượng não thấp hơn và suy giảm chức năng nhận thức. Các tình trạng này tác động tiêu cực đến sức khỏe mạch máu như thu hẹp động mạch, giảm lưu lượng máu và tạo ra chứng viêm dẫn đến sa sút trí tuệ.
Sức khỏe mạch máu tốt hơn, nhất là ở tuổi trung niên, có tác dụng bảo vệ chống lại sự suy giảm nhận thức. Tập thể dục thường xuyên; có chế độ dinh dưỡng giàu chất xơ, chất béo lành mạnh và ít muối; không hút thuốc giúp cải thiện sức khỏe mạch máu, qua đó giảm sa sút trí tuệ.
Hóa chất môi trường: Các nhà nghiên cứu của Đại học Edinburgh (Anh) phát hiện ra rằng, tiếp xúc với các chất độc trong không khí (khói, carbon monoxide, nitơ oxit), nhôm trong nước uống, thuốc trừ sâu, điện trường và từ trường có thể làm suy giảm nhận thức. Người có hàm lượng vitamin D thấp cũng có thể bị sa sút trí tuệ.
Điều trị chứng sa sút trí tuệ phụ thuộc vào nguyên nhân, triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Hiện tại, không có cách chữa trị khỏi nhưng có những loại thuốc có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng. Các phương pháp như thiền định, tập thể dục và chế độ dinh dưỡng chuyên biệt có thể áp dụng trong điều trị sa sút trí tuệ. Trước khi bắt đầu bất kỳ liệu pháp thay thế nào, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Theo Đại học Edinburgh, khoảng 1/3 các trường hợp mắc bệnh Alzheimer có thể do bệnh tiểu đường, tăng huyết áp và béo phì ở tuổi trung niên, hút thuốc, trầm cảm, không hoạt động nhận thức và trình độ học vấn thấp. Do đó, tập thể dục thường xuyên, ăn uống bổ dưỡng và lành mạnh, tránh hút thuốc và uống rượu, tăng tham gia vào các hoạt động kích thích nhận thức có thể làm việc giảm nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ. Những cách này có thể cải thiện sức khỏe mạch máu và ảnh sức khỏe não bộ, phòng ngừa suy giảm nhận thức.
Mai Cat
(Theo Very Well Health)