Người mắc tiểu đường dễ bị các vấn đề về răng miệng do lượng đường trong máu cao làm tăng lượng đường trong nước bọt. Vi khuẩn trong mảng bám, màng dính tích tụ trên răng ăn các loại đường này gây bệnh về răng và nướu. Bệnh tiểu đường cũng làm suy yếu hệ thống miễn dịch khiến nhiễm trùng khó lành hơn và khó kiểm soát các vấn đề trong miệng hơn, tăng nguy mắc bệnh răng miệng.
Dưới đây là những vấn đề răng miệng phổ biến mà người mắc bệnh tiểu đường có thể gặp phải.
Viêm nướu
Viêm nướu là một dạng bệnh nhiễm trùng nướu phổ biến và nhẹ, khiến nướu bị viêm và chảy máu. Khô miệng, lượng đường cao trong nước bọt và giảm phản ứng miễn dịch do tiểu đường làm tăng khả năng phát triển bệnh nhiễm trùng này. Chăm sóc đúng cách và thói quen răng miệng tốt có thể chữa khỏi viêm nướu nhưng nếu không được điều trị, bệnh có thể gây nhiễm trùng nặng hơn (viêm nha chu), sâu răng, hôi miệng và các vấn đề khác.
Viêm nha chu
Viêm nha chu là biến chứng của viêm nướu, một loại bệnh nhiễm trùng nướu nghiêm trọng. Ngoài chảy máu và sưng nướu răng, bệnh này có thể gây ra các túi (áp xe) hình thành xung quanh chân răng và xương hàm răng. Bệnh có thể dẫn đến răng lung lay, khó nhai, hôi miệng mạn tính và có thể làm hỏng xương hàm răng dẫn đến mất răng nếu không được kiểm soát. Lượng đường trong máu cao ảnh hưởng lớn đến hệ thống miễn dịch nên các bệnh về nướu như viêm nha chu và viêm nướu khó kiểm soát hơn.
Sâu răng
Lượng đường trong máu cao làm tăng lượng đường trong nước bọt, cung cấp thức ăn cho vi khuẩn trong miệng. Kết quả khiến mức độ axit tăng lên, phá vỡ lớp men cứng của răng làm sâu răng. Sâu răng nếu không được điều trị có thể dẫn đến mất răng. Người mắc bệnh tiểu đường có thể bị mất răng gần gấp đôi người không mắc bệnh.
Khô miệng
Bệnh tiểu đường thường đi kèm với chứng khô miệng. Nguyên nhân thường là do tác dụng phụ của các loại thuốc điều trị bệnh, làm giảm lượng nước bọt tiết ra gây khô miệng. Khô miệng có thể gây ra một số vấn đề như hôi miệng, khó nhai nuốt, khó nói. Việc sản xuất nước bọt không đủ còn làm giảm khả năng loại bỏ các hạt (mảnh vụn) thức ăn khỏi miệng và ngăn chặn vi khuẩn hình thành mảng bám, tăng nguy cơ sâu răng và mất răng.
Bệnh tưa miệng
Tưa miệng (nấm miệng) là một bệnh nhiễm nấm ở các mô trong miệng. Bệnh đặc trưng bởi các mảng tích tụ màu trắng gây đau đớn trên lưỡi hoặc bên trong mô lót của khoang miệng. Tưa miệng có thể kiểm soát bằng thuốc kháng nấm nhưng nếu không được điều trị, nấm có thể lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn.
Chậm chữa lành vết thương
Bệnh tiểu đường làm giảm chức năng miễn dịch, ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Khi lượng đường trong máu cao và insulin quá thấp, cơ thể không thể sản xuất đủ các cytokine, protein và lipid (chất béo). Những chất này rất cần thiết cho chức năng và tín hiệu của hệ thống miễn dịch. Bệnh tiểu đường cản trở bạch cầu (tế bào máu chống nhiễm trùng) và làm giảm khả năng nhận biết vi khuẩn, virus hoặc nấm tấn công của hệ thống miễn dịch. Điều này làm cho bệnh nướu răng dễ phát triển thành viêm nha chu và làm tăng cơ hội cho các bệnh về răng (sâu răng, mất răng) trở nên nghiêm trọng hơn.
Quản lý lượng đường trong máu ổn định giúp duy trì sức khỏe răng miệng tốt hơn, vì đường huyết cao là nguyên nhân chủ yếu gây ra các bệnh về răng. Để giảm thiểu mắc bệnh răng nướu, người bệnh nên đánh răng với kem đánh răng có florua trong tối thiểu 30 giây cho mỗi bề mặt (tổng cộng là hai phút) ít nhất hai lần mỗi ngày. Nên dùng chỉ nha khoa ít nhất một lần một ngày để loại bỏ các mảng bám thức ăn.
Người bệnh nên thăm khám răng miệng định kỳ, đến gặp nha sĩ nếu thấy các dấu hiệu của viêm nướu hoặc bệnh nướu răng như nướu có máu, sưng và răng lung lay. Bỏ thuốc lá có lợi cho sức khỏe răng miệng.
Mai Cat
(Theo Very Well Health)