Các triệu chứng xuất hiện bất ngờ ở trẻ thường không phải là nguyên nhân đáng lo ngại. Tuy nhiên, một số dấu hiệu có thể cảnh báo tình trạng sức khỏe tiềm ẩn. Dưới đây là những biểu hiện sức khỏe ở trẻ mà cha mẹ không nên bỏ qua, có thể phải cho con thăm khám bác sĩ nếu tình trạng vẫn kéo dài.
Thiếu phản ứng với âm thanh lớn
Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ không thể nói cho cha mẹ biết nếu chúng không nghe được. Trẻ cũng không phản ứng với mọi kích thích theo cách thông thường. Nếu nhận thấy con không phản ứng với âm thanh lớn, cha mẹ nên hẹn gặp bác sĩ nhi khoa để kiểm tra các vấn đề về thính giác. Trẻ sơ sinh có thể được sàng lọc thính giác để phát hiện, điều trị các rối loạn thính giác càng sớm càng tốt.
Mất thính lực
Khi trẻ lớn hơn, được làm quen với các thiết bị âm nhạc, dàn âm thanh lớn, trò chơi điện tử, tivi... thính giác có thể bị ảnh hưởng tiêu cực. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, khoảng 12,5% trẻ em 6-19 tuổi bị tổn thương thính giác vĩnh viễn do tiếp xúc với tiếng ồn lớn.
Cha mẹ nên giữ âm lượng ở mức an toàn cho con. Khi trẻ đeo tai nghe, không nên điều chỉnh âm lượng vượt quá một nửa, tương tự đối với các thiết bị điện tử khác. Mặt khác, trẻ nên hạn chế nghe những tiếng ồn lớn nhất có thể.
Khó nhìn
Nếu bé dường như không bao giờ tập trung vào các đồ vật hoặc gặp khó khăn trong việc tìm khuôn mặt, bàn tay cha mẹ, bạn hãy cho bác sĩ nhi khoa biết. Bên cạnh đó, để ý các triệu chứng của trẻ trong độ tuổi đi học như nheo mắt, khó đọc, ngồi quá gần TV, dụi mắt liên tục. Đây có thể là các dấu hiệu của vấn đề thị lực tiềm ẩn.
Sốt cao và đau đầu dữ dội
Trẻ em thường bị sốt do virus hoặc nhiễm trùng. Khi sốt cao kèm đau đầu dữ dội, trẻ khó mở mắt, đây là dấu hiệu của một vấn đề lớn hơn. Cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhi khoa ngay để loại trừ tình trạng nghiêm trọng, chẳng hạn như viêm màng não. Nếu không điều trị kịp thời, viêm màng não có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Đau bụng
Đau bụng là tình trạng phổ biến ở trẻ em, có thể xảy ra khi trẻ bắt đầu với chế độ ăn mới, ăn đồ lạ hoặc ăn quá nhiều. Đau bụng cũng có thể báo hiệu một vấn đề nghiêm trọng hơn. Chẳng hạn, đau bụng ở phía dưới bên phải, kèm nôn mửa, tiêu chảy, đau khi chạm vào có thể cảnh báo tình trạng viêm ruột thừa.
Mệt mỏi
Mệt mỏi cực độ là một triệu chứng không nên bỏ qua. Nếu trẻ có biểu hiện mệt mỏi hoặc dường như thiếu năng lượng trong thời gian dài, cha mẹ hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa. Mệt mỏi quá độ có thể do một số nguyên nhân khác nhau, bao gồm thiếu máu, hội chứng kém hấp thu, trầm cảm.
Các vấn đề về hô hấp
Theo CDC, hơn 8% trẻ em ở Mỹ mắc bệnh hen suyễn. Các dấu hiệu bao gồm khó thở khi chơi hoặc tập thể dục, thở rít, thở khò khè, khó hồi phục sau nhiễm trùng đường hô hấp. Điều trị không chữa khỏi bệnh hen suyễn nhưng giúp giảm các triệu chứng. Nếu nhận thấy con gặp vấn đề về hô hấp, cha mẹ nên đưa trẻ thăm khám bác sĩ.
Tụt cân
Tụt cân không rõ nguyên nhân có thể là một dấu hiệu đáng lo ngại. Sự dao động nhẹ về cân nặng của trẻ nói chung là bình thường. Tuy nhiên, việc giảm cân đột ngột, không theo ý muốn có thể cảnh báo một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Nếu cân nặng của trẻ bị giảm đột ngột, không rõ lý do, hãy đưa bé đến gặp bác sĩ nhi khoa để kiểm tra và chẩn đoán chính xác.
Khát nước liên tục
Uống đủ nước tốt cho sức khỏe của trẻ. Nhưng nếu con có nhu cầu uống nước quá lớn có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, khoảng 1,25 triệu trẻ em, người lớn nước này mắc bệnh tiểu đường loại 1. Bệnh thường được chẩn đoán ở trẻ em, thanh niên hơn là người lớn tuổi.
Khát nước liên tục chỉ là một triệu chứng của bệnh tiểu đường loại 1. Các biểu hiện khác bao gồm: đi tiểu nhiều, cực kỳ đói, sụt cân, mệt mỏi. Nếu trẻ có bất kỳ triệu chứng nào trong số này, cha mẹ cần đưa con đi khám ngay lập tức.
Châu Vũ (Theo Healthline)