Táo bón là một tình trạng phổ biến, có thể gặp phải ở bất kỳ ai. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, bao gồm thói quen ăn uống và sinh hoạt. Dưới đây là một số thói quen có thể góp phần tạo ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng táo bón.
Ăn ít chất xơ
Chất xơ giữ nước và làm mềm phân, từ đó giúp phân di chuyển dễ dàng hơn trong ruột. Việc tiêu thụ ít chất xơ sẽ khiến phân cứng, rắn và dẫn đến táo bón. Trái cây, rau xanh, đậu, bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt là những thực phẩm giàu chất xơ mà mọi người nên thêm vào chế độ ăn uống.
Tuy nhiên, cần cân đối lượng chất xơ tiêu thụ vì bổ sung quá nhiều chất xơ cùng lúc sẽ có tác dụng ngược và dẫn đến táo bón. Người bị táo bón cũng nên hạn chế tiêu thụ thịt chứa nhiều mỡ, các sản phẩm từ sữa, trứng hoặc các món tráng miệng ngọt vì có thể làm trầm trọng thêm tình trạng này.
Uống ít nước
Khi thiếu nước, cơ thể sẽ tăng hấp thụ nước từ phân, khiến phân trở nên cứng rắn và khó di chuyển trong đường tiêu hóa. Mỗi người nên uống khoảng 8 ly nước mỗi ngày để ngăn ngừa hoặc làm giảm táo bón. Các loại nước trái cây như nước cam, nước chanh, nước ép táo... cũng mang lại hiệu quả tương tự.
Ngược lại, các thức uống chứa caffeine như cà phê, nước ngọt có thể gây mất nước và khiến tình trạng táo bón tồi tệ hơn. Sữa cũng khiến một số người bị táo bón.
Ngồi nhiều, ít vận động
Người ít vận động hoặc ngồi nhiều có nguy cơ bị táo bón cao hơn người khác. Điều này là do ngồi nhiều sẽ khiến bụng bị đè nén, làm chậm quá trình tiêu hóa và dẫn đến các vấn đề như đầy hơi, ợ chua, táo bón. Nằm nhiều trên giường do các vấn đề sức khỏe cũng gây ra tình trạng tương tự. Chuyên gia y tế khuyên mọi người nên cố gắng tập thể dục mỗi ngày. Ngay cả các hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ, leo cầu thang cũng sẽ giúp ngăn ngừa táo bón.
Nhịn đi tiêu
Nếu một người nhịn đi tiêu, ruột sẽ hấp thụ nước từ lượng phân ứ đọng ở trực tràng, khiến phân trở nên cứng và khó tống xuất ra ngoài. Nhịn đi tiêu khi có cảm giác muốn đi cũng làm tổn thương dây thần kinh ở trực tràng và khiến chúng phản ứng kém. Lúc này, não khó nhận biết khi nào ruột cần tống phân ra ngoài, đồng nghĩa với việc cần phải tích tụ nhiều phân hơn để trực tràng tạo đủ kích thích lên dây thần kinh. Phân tích trữ trong ruột càng nhiều, càng lâu thì càng to và khó tống xuất ra ngoài.
Lạm dụng thuốc nhuận tràng
Thuốc nhuận tràng có thể giúp người bị táo bón đi tiêu dễ dàng hơn. Loại thuốc này hoạt động bằng cách kích thích các dây thần kinh nằm ở ruột, làm cho ruột co thắt và tống phân ra ngoài. Sử dụng thuốc nhuận tràng quá lâu hoặc quá nhiều có thể làm tổn thương các dây thần kinh, khiến ruột bắt đầu phụ thuộc và mất dần chức năng co bóp. Điều này làm cho tình trạng táo bón trở nên trầm trọng hơn.
Trước khi nghĩ đến sử dụng thuốc nhuận tràng, người bị táo bón hãy thử các cách khác như uống nước, bổ sung nhiều chất xơ, tập thể dục... Nếu những cách này không hiệu quả, hãy trao đổi với bác sĩ về việc sử dụng thuốc nhuận tràng. Bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân táo bón sử dụng thử thuốc nhuận tràng trong thời gian ngắn.
Ngoài các thói quen trên, một số bệnh lý, vấn đề tinh thần và tác dụng phụ của thuốc cũng có thể gây táo bón. Tùy vào nguyên nhân mà bệnh nhân sẽ có cách điều trị thích hợp. Nếu táo bón xảy ra do thói quen sinh hoạt, bệnh nhân có thể thay đổi các thói quen này để cải thiện tình trạng. Trong một số trường hợp, người bị táo bón sẽ cần dùng thuốc để điều trị.
Phương Quỳnh (Theo Webmd, National Institutes of Aging)