Viêm xoang mạn tính là tình trạng viêm mũi xoang xảy ra trong hơn 12 tuần, có thể biểu hiện dưới dạng viêm xoang mạn tính không có polyp mũi, viêm xoang mạn tính có polyp mũi và viêm mũi xoang do nấm. Viêm xoang mạn tính có thể gây tắc nghẽn đường mũi, cản trở thoát dịch và dẫn đến giảm áp suất oxy. Điều này khiến vi khuẩn tích tụ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng xoang.
Các triệu chứng thường gặp bao gồm chảy dịch mũi màu xanh hoặc vàng, đau mặt hoặc răng, nghẹt mũi, đau đầu, mệt mỏi do thiếu oxy... Nguyên nhân phổ biến nhất là do nhiễm các loại vi khuẩn streptococcus, phế cầu, hemophilus và moraxella. Cấu trúc xoang bất thường, suy giảm miễn dịch, viêm mũi dị ứng... cũng là các yếu tố nguy cơ.
ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng (Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, tùy theo nguyên nhân, triệu chứng và biến chứng của bệnh viêm xoang, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Có hai phương pháp điều trị chính là điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa.
Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa bằng cách dùng thuốc, có thể áp dụng thêm các phương pháp cải thiện viêm xoang tại nhà. Thông thường, điều trị nội khoa được áp dụng cho các trường hợp viêm xoang nhẹ đến trung bình, chưa có biến chứng.
Điều trị nội khoa viêm xoang mạn tính không có polyp mũi có nhiều cách khác nhau. Giảm yếu tố kích hoạt bằng thử nghiệm dị ứng có thể giúp xác định các yếu tố kích hoạt môi trường mà bệnh nhân nên tránh. Thuốc kháng viêm xịt mũi được sử dụng khi có hoặc không có nước muối rửa mũi, dùng trong ít nhất 8-12 tuần. Rửa mũi bằng nước muối cũng hỗ trợ tốt cho việc điều trị bằng thuốc.
Bác sĩ có thể cho người bệnh dùng thuốc kháng dị ứng khi viêm xoang mạn tính nếu nghi ngờ có thành phần gây dị ứng. Thuốc nhỏ thông mũi có thể được sử dụng để giảm triệu chứng nghẹt mũi, nhưng chỉ được dùng tối đa một tuần. Với thuốc kháng sinh, người bệnh chỉ nên uống theo chỉ định của bác sĩ. Thuốc kháng viêm đường uống có thể sử dụng, tuy nhiên không nên kéo dài hơn 1-2 tuần.
Điều trị nội khoa viêm xoang mạn tính có polyp mũi bằng thuốc xịt mũi steroid, steroid đường uống và thuốc đối kháng leukotriene. Nếu viêm xoang mạn tính có polyp mũi nên được điều trị bằng thuốc xịt mũi steroid. Trường hợp viêm mũi nghiêm trọng hoặc không đáp ứng với điều trị sau 12 tuần, bác sĩ có thể cân nhắc cho người bệnh sử dụng một đợt ngắn steroid đường uống. Thuốc đối kháng leukotriene có thể được xem xét để điều trị viêm xoang mạn tính có polyp mũi.
Bên cạnh dùng thuốc, các cách hỗ trợ điều trị viêm xoang mạn tính tại nhà là xông tinh dầu, chườm ấm, yoga. Liệu pháp xông tinh dầu hữu ích đối với bệnh nhân viêm xoang. Tuy nhiên, bệnh nhân viêm xoang do viêm mũi dị ứng nên cẩn trọng khi sử dụng liệu pháp mùi hương. Xông tinh dầu cũng cần chú ý vệ sinh, thay nước xông hàng ngày để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn và nấm mốc.
Chườm ấm có thể giảm đau nhức xoang, thông thoáng đường thở và chất nhầy tan chảy, thoát ra ngoài dễ hơn. Một vài liệu pháp yoga cũng hỗ trợ điều trị bệnh viêm xoang mạn tính. Bác sĩ Hằng cho biết, bhramari pranayama là một bài tập thở đã được chứng minh tính hiệu quả trong hỗ trợ điều trị viêm xoang, giúp thông khí tốt mà người bệnh có thể áp dụng.
Người bệnh không nên điều trị viêm xoang mạn tính theo kinh nghiệm dân gian chưa được chứng minh hiệu quả như nhỏ vào mũi tinh dầu tỏi, bạc hà, hoa ngũ sắc... vì có thể gây bỏng rát, tổn thương niêm mạc mũi xoang.
Điều trị ngoại khoa
Phẫu thuật nội soi mũi xoang có thể được xem xét cho những bệnh nhân không đáp ứng với điều trị nội khoa. Phẫu thuật giúp loại bỏ các vật cản, khôi phục hệ thống dẫn lưu và thanh thải chất nhầy, đồng thời làm thông thoáng các xoang.
Nếu một bệnh lý cơ bản được phát hiện thì bác sĩ sẽ điều trị tình trạng cơ bản trước khi phẫu thuật. Chẳng hạn bệnh nhân viêm xoang mạn tính có tình trạng nhiễm nấm xoang hoặc suy giảm miễn dịch sẽ được điều trị các tình trạng này trước khi phẫu thuật.
Bệnh nhân bị viêm mũi xoang có bệnh nền hen suyễn hoặc xơ nang cũng có thể phẫu thuật mũi xoang để tránh làm cho bệnh nền diễn biến nặng hơn.
Bác sĩ Hằng khuyên, người dân nên phòng ngừa các yếu tố dẫn đến viêm xoang mạn tính như điều trị triệt để tránh để viêm mũi xoang, cảm cúm kéo dài; tiêm chủng phòng ngừa các loại virus, vi khuẩn gây bệnh cúm, phế cầu như streptococcus, hemophilus và moraxella... Đeo khẩu trang và giữ ấm cơ thể khi ra khỏi nhà cũng là cách phòng ngừa bệnh. Người lớn, trẻ nhỏ nên hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như khói bụi, phấn hoa, lông và phân động vật; không ăn thực phẩm nghi ngờ gây dị ứng như hải sản, các loại ấu trùng, một số loại hạt...
Nguyên Phương