Các xoang là những hốc rỗng, chứa đầy không khí, nằm phía sau xương gò má và trán. Có 4 loại xoang gồm xoang hàm trên, xoang trán, xoang sàng và xoang bướm. Tất cả các xoang này được lót bởi một mô mềm gọi là niêm mạc. Tình trạng viêm niêm mạc xoang cạnh mũi, gây ra sự tích tụ chất lỏng hoặc chất nhầy bên trong, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và cuối cùng dẫn đến nhiễm trùng.
PGS.TS.BS Lê Minh Kỳ - Phụ trách chuyên môn khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, viêm xoang gây ra rất nhiều phiền toái cho người bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh sẽ tiến triển nặng lên, mạn tính đôi khi gây những biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như nhiễm trùng ổ mắt, viêm tắc tĩnh mạch xoang hang, áp xe não, viêm màng não... thậm chí tử vong.
Phân loại viêm xoang
Theo Phó giáo sư Lê Minh Kỳ, có hai cách để phân loại viêm xoang là phân loại dựa trên mức độ bệnh và dựa trên vị trí viêm.
Phân loại dựa trên mức độ bệnh
Viêm xoang cấp tính
Viêm xoang cấp tính xảy ra do một đợt nhiễm trùng đường hô hấp trên, đánh dấu bằng sự xuất hiện đột ngột của các triệu chứng giống như cảm lạnh. Bệnh thường hết trong vòng 1-4 tuần. Bệnh được chia thành 2 loại gồm viêm mũi xoang do vi khuẩn và virus cấp tính. Trong đó, viêm mũi xoang do virus phổ biến hơn.
Người bệnh viêm xoang cấp tính sẽ gặp phải các triệu chứng như đau đầu, đau nhói ở vùng mặt, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, sốt, giảm độ nhạy của khứu giác, hôi miệng, đau quanh mắt, mũi và má.
Viêm xoang bán cấp
Nếu bị các dấu hiệu viêm xoang trong 4-12 tuần, nghĩa là bạn đã bị viêm xoang bán cấp. Các triệu chứng của viêm xoang bán cấp thường ít nghiêm trọng hơn so với triệu chứng viêm xoang cấp tính. Viêm xoang bán cấp chính là sự chuyển tiếp giữa viêm xoang cấp tính và mạn tính.
Viêm xoang mạn tính
Các dấu hiệu viêm xoang kéo dài hơn 12 tuần được gọi là viêm xoang mạn tính (viêm xoang mạn). Nguyên nhân gây ra viêm xoang mạn có thể do nhiễm trùng nhưng phổ biến là polyp mũi (hình thành các khối u có cuống mềm ở niêm mạc) và vách ngăn mũi bị lệch.
Hiện tượng dị ứng với một số loại nấm hoặc nhiễm nấm xoang cũng gây viêm xoang mạn tính. Bệnh được chia thành 3 loại: viêm mũi họng mạn tính không có polyp, viêm mũi họng mạn tính với polyp và viêm mũi dị ứng do nấm. Trong số này, thường gặp nhất là viêm mũi họng mạn tính không có polyp mũi.
Các triệu chứng của viêm xoang mạn tính cũng tương tự như triệu chứng viêm xoang cấp tính.
Viêm xoang tái phát
Viêm xoang tái phát là tình trạng bệnh nhân bị các đợt viêm xoang cấp tính tái đi tái lại trong vòng một năm. Bệnh thường gặp ở những người bị dị ứng và hen suyễn.
Phân loại dựa trên vị trí viêm
Có 4 loại xoang cạnh mũi và được phân loại viêm xoang dựa trên loại xoang bị ảnh hưởng.
Viêm xoang hàm trên
Các xoang hàm trên nằm sau xương gò má và chúng là xoang cạnh mũi lớn nhất. Viêm xoang hàm trên sẽ gây đau nhức vùng mặt, sưng quanh mắt và má, đôi khi gây ra những cơn đau đầu.
Viêm xoang sàng
Xoang sàng nằm sâu trong hốc mũi, phía sau mặt nên nếu vùng này bị viêm cũng gây ra các biểu hiện không rõ ràng. Người bệnh thường cảm thấy đau nhức đầu ở vùng gáy, bị chảy dịch mủ và ho kéo dài.
Viêm xoang trán
Các xoang trán nằm ở vùng trán. Khi bị nhiễm trùng hoặc sưng, xoang trán sẽ gây nên tình trạng đau nhức vùng giữa trán lan ra thái dương. Ở giai đoạn nặng, người bệnh còn thấy đau vùng hốc mắt.
Viêm xoang bướm
Xoang bướm nằm trong thân của xương bướm, chia làm 6 thành gồm: thành trước, thành sau, thành trên, thành dưới và hai thành bên. Khi bị viêm xoang bướm, người bệnh xuất hiện các triệu chứng dồn dập như sốt cao, rét run, nhức đầu, đau gáy, chảy dịch xuống mũi và họng. Bệnh thường lan nhanh ra hai bên mắt và gây tỷ lệ tử vong rất cao.
Nguyên nhân
Theo Phó giáo sư Lê Minh Kỳ, nguyên nhân phổ biến gây bệnh viêm xoang thường là virus, vi khuẩn, dị ứng, ô nhiễm không khí....
Virus
Hầu hết các bệnh nhiễm trùng xoang đều bắt đầu bằng cảm lạnh. Cảm lạnh được gây ra bởi một loại virus, làm cho mô mũi sưng lên, chặn các lỗ thông thường dẫn lưu xoang.
Nếu tình trạng viêm xoang của bạn là do virus, mọi loại thuốc đều vô tác dụng. Các triệu chứng bệnh sẽ được cải thiện sau khoảng một tuần. Thuốc nhỏ thông mũi có thể hữu ích nhưng lưu ý không sử dụng nó quá 5 ngày để tránh bị lệ thuộc.
Biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa viêm xoang do virus cũng tương tự như cách chống lại cảm lạnh và cảm cúm là tiêm phòng vaccine cúm hàng năm.
Dị ứng
Phó giáo sư Lê Minh Kỳ cho biết thêm, những người viêm xoang do dị ứng (viêm xoang dị ứng) có xu hướng bị nặng hơn so với bệnh nhân viêm xoang do yếu tố khác. Nếu bạn có cơ địa dễ bị mẫn cảm với phấn hoa, lông vật nuôi, nấm mốc, nước hoa... hãy tránh xa những thứ này.
Vi khuẩn
Nếu bạn bị cảm lạnh và bệnh không thuyên giảm sau 10-15 ngày, có thể nguyên nhân là do vi khuẩn Streptococcus pneumoniae hoặc Haemophilusenzae. Sau một thời gian, cảm lạnh sẽ biến chứng thành viêm xoang.
Polyp mũi
Polyp mũi là những u nhỏ lành tính phát triển từ các mô mũi hoặc xoang, làm cho các hốc xoang bị tắc nghẽn, ngăn dịch mũi chảy ra và gây nhiễm trùng xoang. Các polyp này cũng có thể hạn chế đường dẫn khí, gây ra hiện tượng đau đầu, giảm độ nhạy của khứu giác.
Viêm xoang do polyp được điều trị bằng thuốc xịt mũi steroid kéo dài. Trong trường hợp phương pháp này không hiệu quả, bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật.
Ô nhiễm không khí
Theo Phó giáo sư Lê Minh Kỳ, không khí ô nhiễm là tác nhân góp phần gây ho, kích thích mũi và gây viêm, làm tăng nguy cơ viêm xoang. Tình trạng càng nặng hơn nếu bạn đồng thời bị dị ứng hoặc hen suyễn.
Bơi, lặn nhiều
Nếu bạn dễ bị nhiễm trùng xoang, hãy hạn chế ngâm mình lâu trong hồ bơi chứa clo. Chất hóa học này có khả năng kích ứng niêm mạc mũi, gây ra bệnh viêm xoang. Bên cạnh bơi lội, bạn cần tránh cả lặn. Áp lực trong quá trình lặn có thể đẩy nước vào xoang, gây kích ứng và làm viêm mô.
Thường xuyên di chuyển bằng đường hàng không
Áp suất không khí giảm trong chuyến bay sẽ gây ra áp lực tích tụ trong đầu, chặn đường dẫn khí và làm nặng thêm các triệu chứng viêm xoang. Để khắc phục tình trạng này, bạn có thể sử dụng thuốc nhỏ mũi hoặc ống hít trước khi máy bay cất hoặc hạ cánh để giữ cho xoang luôn sạch sẽ.
Nấm
Mặc dù nhiễm trùng xoang do nấm có thể xảy ra ở những người khỏe mạnh nhưng thường gặp nhất ở người có hệ miễn dịch yếu. Khi hệ thống miễn dịch dễ bị tổn thương, nấm sẽ có cơ hội phát triển, đặc biệt là trong môi trường ẩm ướt và tối tăm như xoang. Loại nấm phổ biến nhất liên quan đến viêm xoang là Aspergillus.
Lạm dụng các loại thuốc xịt mũi
Thuốc xịt thông mũi giúp giảm nghẹt mũi nhưng chúng cũng làm tắc nghẽn các mạch máu trong mũi. Vì thế, bạn không nên lạm dụng. Thuốc xịt mũi có thể làm cho các triệu chứng viêm xoang trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là khi không được sử dụng theo chỉ dẫn.
Hút thuốc lá
Giống như các chất gây ô nhiễm không khí, khói thuốc lá cũng có khả năng kích ứng mũi và gây viêm, dẫn tới nhiễm trùng xoang. Nguyên nhân là hệ thống làm sạch xoang tự nhiên đã bị tổn thương do khói thuốc lá.
Bất thường bẩm sinh vùng mũi
Nguy cơ nhiễm trùng xoang sẽ tăng nếu gặp một vấn đề bất thường ở mũi do bẩm sinh, chẳng hạn như đường dẫn lưu hẹp, khe hở vòm miệng, lệch vách ngăn mũi... Khi đó, tiến hành phẫu thuật sớm sẽ giúp phòng ngừa và cải thiện các triệu chứng viêm xoang.
Dấu hiệu
Viêm xoang mạn tính và viêm xoang cấp tính có các dấu hiệu và triệu chứng tương tự nhau, bao gồm:
Đau ở xoang
Đau là triệu chứng phổ biến của viêm xoang. Bạn sẽ cảm thấy đau ở trán, hai bên mũi, hàm trên hoặc giữa hai mắt. Đôi lúc, bạn còn bị những cơn đau đầu thoáng qua làm phiền.
Chảy nước mũi
Khi bị nhiễm trùng xoang, bạn thường xuyên phải xì mũi vì nước mũi tiết ra rất nhiều. Chất dịch có màu xanh, vàng hoặc trắng đục, xuất phát từ xoang bị nhiễm trùng và chảy vào mũi bạn.
Tuy nhiên trong một số trường hợp, chất dịch không chảy qua mũi mà chảy xuống phía sau cổ họng. Khi đó, bạn sẽ thấy ngứa ngáy hoặc thậm chí đau họng. Hệ quả là những cơn ho kéo đến vào ban đêm khi bạn nằm ngủ và buổi sáng sau khi thức dậy. Đồng thời, giọng bạn cũng trở nên khàn hơn.
Nghẹt mũi
Nhiễm trùng gây sưng ở xoang và mũi, cản trở đường thở bằng mũi dẫn đến nghẹt mũi. Cho nên, khứu giác của bạn sẽ trở nên kém nhạy cảm hơn so với người bình thường.
Đau đầu
Áp lực không ngừng và sưng trong xoang là nguyên nhân khiến bạn đau đầu. Tình trạng này thường tồi tệ nhất vào buổi sáng vì dịch đã tích tụ suốt đêm. Bên cạnh đó, cơn đau đầu cũng trở nên nghiêm trọng hơn khi bạn ở trong môi trường có áp suất khí quyển thay đổi đột ngột.
Kích ứng họng và ho
Khi dịch tiết ra từ xoang chảy xuống sau cổ họng có thể gây kích ứng họng dẫn đến ho dai dẳng, nhất là vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Hiện tượng kích ứng họng cũng khiến người bệnh viêm xoang khó ngủ. Nằm ngủ ở tư thế ngửa hoặc kê cao gối là biện pháp hữu hiệu giúp giảm tần suất và cường độ ho.
Ngoài những dấu hiệu viêm xoang trên, bệnh nhân còn gặp phải các triệu chứng như sốt, đau tai, đau răng, sưng vùng mặt, hôi miệng, mệt mỏi.
Ai dễ mắc bệnh viêm xoang?
Bạn có nguy cơ bị viêm xoang cấp và mạn tính nếu có vách ngăn mũi lệch, có polyp mũi, bị hen suyễn, sâu răng hàm trên, hệ thống miễn dịch yếu, có cơ địa bị dị ứng; tiếp xúc thường xuyên với các chất ô nhiễm như khói thuốc lá, khói bụi...
Phòng ngừa
Phó giáo sư Lê Minh Kỳ gợi ý những biện pháp sau để phòng bệnh viêm xoang cho người lớn và trẻ nhỏ gồm:
Đối với người lớn:
- Tránh để nhiễm trùng đường hô hấp trên bằng cách: giảm thiểu tiếp xúc với những người bị cảm lạnh; giữ ấm cơ thể; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, đặc biệt là trước bữa ăn.
- Tránh xa các tác nhân gây dị ứng đường hô hấp như lông chó mèo, phấn hoa, nước hoa...
- Không tiếp xúc với khói thuốc lá và không khí ô nhiễm. Khói thuốc lá và các chất gây ô nhiễm không khí có thể gây kích ứng gây viêm phổi và đường hô hấp của bạn.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm. Nếu không khí trong nhà bạn khô, thêm độ ẩm vào không khí sẽ giúp ngăn ngừa viêm xoang. Tuy nhiên, cần đảm bảo máy tạo độ ẩm được vệ sinh thường xuyên để máy luôn sạch và không có nấm mốc sinh sôi.
Đối với trẻ em:
- Thường xuyên vệ sinh mũi cho trẻ bằng chai xịt nước muối.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm nếu không khí trong phòng quá khô.
- Không để trẻ hít phải khói thuốc lá cũng như các tác nhân gây dị ứng cho trẻ.
- Hạn chế cho trẻ đi bơi hoặc lặn ở các hồ bơi chứa clo để không gây kích ứng mũi và xoang của trẻ.
- Hướng dẫn trẻ đeo khẩu trang, rửa tay đúng cách bằng xà phòng và nước.
- Đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đặc biệt là tiêm vaccine ngừa cúm và các bệnh về đường hô hấp (viêm phổi do phế cầu...).
- Không để trẻ tiếp xúc gần với những người bị cảm lạnh hoặc người bị nhiễm trùng đường hô hấp trên.
- Khi trẻ bị nghẹt mũi, sổ mũi kéo dài, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa tai - mũi - họng để khám và điều trị đúng cách.
Thu Hà