Ung thư vòm họng là ung thư ở vùng đầu cổ, xảy ra khi các tế bào lót vùng vòm họng (vùng cấu trúc giải phẫu nằm ở phía sau mũi) phát triển bất thường, ngoài tầm kiểm soát.
Bệnh thường không biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn sớm khiến chẩn đoán khó khăn. Người bị ung thư vòm họng giai đoạn muộn có thể xuất hiện khối vùng cổ do hạch di căn phì đại. Một số triệu chứng khác của ung thư vòm họng giai đoạn tiến triển xâm lấn tại chỗ - tại vùng xung quanh, có thể gặp như chảy máu mũi, khạc ra máu, nghẹt mũi, ù tai, thính lực giảm, đau đầu...
BS.CKI Nguyễn Chí Thanh, đơn vị Ung bướu, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết tùy vào từng giai đoạn, loại giải phẫu bệnh, tình trạng sức khỏe người bệnh, bệnh đi kèm, bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Hiện nay, phương pháp điều trị ung thư vòm họng thường là xạ trị và hóa trị, phẫu thuật ít phổ biến hơn. Ở giai đoạn cuối, điều trị có ý nghĩa giúp nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Phẫu thuật. Do vị trí và mức độ xâm lấn nên ung thư vòm họng thường không dễ dàng có thể phẫu thuật cắt bỏ. Phẫu thuật chủ yếu áp dụng trong các trường hợp bệnh tái phát hạch hoặc hạch cổ còn tồn lưu sau khi đã điều trị trước đó.
Xạ trị là phương pháp sử dụng tia X năng lượng cao hoặc các loại tia khác để tiêu diệt tế bào ung thư cũng như ngăn chặn sự phát triển của chúng. Xạ trị được chia thành xạ trị trong và ngoài. Bác sĩ có thể chỉ định xạ trị ngoài hay trong tùy thuộc vào dạng bệnh và giai đoạn ung thư.
Hóa trị là sử dụng thuốc viên uống hoặc thuốc tiêm truyền qua đường tĩnh mạch để ngăn chặn sự phát triển và tiêu diệt tế bào ung thư. Hóa trị có thể được thực hiện cùng lúc với xạ trị (hóa - xạ đồng thời) hoặc sau khi hoàn tất xạ trị hoặc trước khi xạ trị tùy theo giai đoạn bệnh.
Liệu pháp trúng đích dùng thuốc để tấn công các tế bào ung thư đặc hiệu. Kháng thể đơn dòng là một dạng điều trị trúng đích, có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư, ngăn chặn con đường phát triển hoặc lan tràn của tế bào ung thư. Phương pháp này chủ yếu sử dụng trong trường hợp ung thư tái phát và di căn.
Ung thư vòm họng có tiên lượng khá tốt nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời, theo bác sĩ Thanh. Người xuất hiện các dấu hiệu khó chịu vùng đầu cổ kéo dài và không cải thiện sau một thời gian nên đến bệnh viện để được kiểm tra và chẩn đoán sớm bệnh. Bên cạnh đó, giữ suy nghĩ tích cực, thay đổi lối sống khoa học, duy trì thói quen tốt cũng góp phần nâng cao hiệu quả chữa bệnh.
Nguyễn Trăm
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |