Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, có hai loại chính là ung thư phổi không phải tế bào nhỏ và tế bào nhỏ. Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ là loại phổ biến nhất, chiếm 80-85% các trường hợp ung thư phổi. Loại tế bào nhỏ chiếm 10%, ngoài ra còn có khối u carcinoid rất ít gặp, chiếm 1-2% các ca bệnh này.
Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ
Loại này được phân thành 5 giai đoạn (0-4) dựa trên kích thước, sự hiện diện trong các hạch bạch huyết và tình trạng lây lan của khối u.
Giai đoạn 0: Đây là giai đoạn có thể chữa khỏi của ung thư phổi. Các tế bào ung thư chỉ được tìm thấy ở lớp tế bào trên cùng của niêm mạc đường thở. Chúng không lan sâu hơn vào đường thở cũng như bất kỳ hạch bạch huyết hoặc bộ phận nào khác.
Ung thư phổi giai đoạn đầu thường có rất ít triệu chứng, hầu hết không có triệu chứng cho đến khi khối u lan ra ngoài phổi, khiến phát hiện bệnh khó khăn.
Điều trị giai đoạn 0 thường là phẫu thuật. Nếu khối u được loại bỏ hoàn toàn, ung thư phổi không phải tế bào nhỏ giai đoạn 0 có thể chữa được, không tái phát, tỷ lệ sống sót cao.
Giai đoạn 1: Các khối u có kích thước nhỏ hơn 3 cm, chưa xâm lấn mô phổi sâu hơn, chưa đến màng phổi hoặc đường hô hấp trung tâm (1A). Giai đoạn 1B, khối u có kích thước 3-4 cm, đã phát triển vào đường thở, màng trung tâm hoặc chặn một phần đường thở.
Triệu chứng thường là khó thở nếu khối u phát triển vào đường thở. Phẫu thuật để loại bỏ vùng phổi có khối u nguyên phát. Nếu tái phát, điều trị bổ sung bằng hóa trị, xạ trị và có thể là liệu pháp miễn dịch sau phẫu thuật. Tỷ lệ sống sót ung thư phổi không phải tế bào nhỏ giai đoạn một là 65% (dựa trên bệnh nhân từ 2013 đến năm 2019).
Giai đoạn 2: Khối u lớn hơn (4-7 cm), có thể lan rộng trong vùng phổi, đến một hoặc nhiều hạch bạch huyết. Chúng cũng có thể phát triển vào đường thở trung tâm, các màng xung quanh phổi, chặn và làm tắc nghẽn một phần đường thở.
Triệu chứng ung thư phổi thường xuất hiện rõ ở giai đoạn hai gồm ho dai dẳng và ngày càng nặng hơn; khạc nhổ, đờm có màu rỉ sét hoặc có máu khi ho; đau ngực khi thở sâu, ho hoặc cười; khàn tiếng, hụt hơi, giảm cân không rõ lý do, mệt mỏi, viêm phế quản tái phát hoặc viêm phổi, thở khò khè. Điều trị thường là phẫu thuật, hóa trị, liệu pháp miễn dịch.
Giai đoạn 3: Khối u đã lan đến nhiều hạch bạch huyết và các khu vực xa hơn trong khoang ngực, xung quanh nơi khí quản tách ra hoặc trong khoảng trống giữa hai phổi ở cùng một phía của phổi. Chúng có thể đã phát triển vào đường thở trung tâm và các màng xung quanh phổi hoặc chặn một phần đường thở.
Khối u có kích thước lớn hơn lan sang các cấu trúc khác của phổi, có khả lan đến hạch bạch huyết gần xương đòn hoặc lá phổi còn lại, xâm lấn vào tim hoặc các cấu trúc khác ở ngực như thực quản, cơ hoành, cột sống.
Điều trị bệnh giai đoạn 3 gồm kết hợp xạ trị, hóa trị và phẫu thuật. Liệu pháp miễn dịch hoặc điều trị nhắm mục tiêu có thể là lựa chọn cho một số bệnh nhân. Tỷ lệ sống sót đối với bệnh ung thư phổi không phải tế bào nhỏ giai đoạn 3 khoảng 37%.
Giai đoạn 4: Giai đoạn tiến triển nhất gọi là ung thư di căn và có tỷ lệ sống sót thấp nhất. Ung thư phổi giai đoạn 4 rất khó chữa khỏi vì khối u đã lan ra ngoài phổi đến các cơ quan khác như não, xương, gan và hạch bạch huyết ở xa.
Các triệu chứng giai đoạn này phụ thuộc vào vị trí di căn. Khối u ở xương có thể gây đau xương ở lưng hoặc hông. Ung thư di căn não gây đau đầu, yếu hoặc tê tay chân, chóng mặt, mất thăng bằng, co giật. Khi khối u lan đến gan khiến vàng mắt và da. Ung thư phổi lan đến các hạch bạch huyết ở cổ hoặc phía trên xương đòn khiến chúng sưng lên.
Điều trị bệnh giai đoạn 4 gồm phẫu thuật, hóa xạ trị, liệu pháp nhắm mục tiêu, liệu pháp miễn dịch. Những phương pháp này nhằm giảm các triệu chứng và kéo dài thời gian sống. Tỷ lệ sống sót của ung thư phổi không phải tế bào nhỏ di căn là 9%.
Ung thư phổi tế bào nhỏ
Ung thư phổi tế bào nhỏ gồm hai giai đoạn giới hạn và mở rộng.
Giai đoạn giới hạn: Khối u chỉ ở một bên ngực, có thể xuất hiện ở cả phổi và hạch bạch huyết. Phương pháp điều trị thường là kết hợp hóa xạ trị.
Giai đoạn mở rộng: Khối u lan rộng cả hai bên ngực, có thể đến các hạch bạch huyết phía trên xương đòn hoặc ở giữa ngực. Nó cũng lan đến chất lỏng xung quanh phổi hoặc các bộ phận và cơ quan khác của cơ thể.
Trong giai đoạn đầu (giai đoạn giới hạn), người bệnh ung thư phổi tế bào nhỏ có thể không có triệu chứng. Ở giai đoạn mở rộng, các triệu chứng ở phổi gồm ho dai dẳng hơn, ho ra máu, hụt hơi, thở khò khè, các đợt viêm phổi hoặc viêm phế quản lặp đi lặp lại, khàn tiếng, sưng mặt và cổ.
Ung thư phổi tế bào nhỏ di căn thường gây mệt mỏi, giảm cân không chủ ý, ăn mất ngon. Đau ở lưng, hông hoặc xương sườn nếu khối u đã đến xương. Khó nuốt do khối u ở gần hoặc xâm lấn thực quản. Nhức đầu, thay đổi thị lực, suy nhược hoặc co giật nếu ung thư di căn lên não. Điều trị thường là hóa trị nhằm kiểm soát sự lây lan của ung thư vì không thể chữa khỏi.
Mai Cat (Theo Very Well Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |