Theo BS.CKI Lê Quang Hưng, Trung tâm Y học bào thai, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, đau bụng hoặc chuột rút vùng bụng là tình trạng phổ biến trong thai kỳ. Cơn đau nhẹ xuất hiện và biến mất khi thai phụ thay đổi tư thế, nghỉ ngơi, đi vệ sinh, đầy hơi. Tuy nhiên, đau bụng kèm các triệu chứng khác có thể cảnh báo vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Vấn đề về tiêu hóa
Thai nhi phát triển gây nhiều áp lực lên dạ dày và ruột của người mẹ, thường trong ba tháng giữa và ba tháng cuối thai kỳ. Đau bụng nhẹ có thể liên quan đến đầy hơi, chướng bụng, táo bón. Thai phụ nên uống nhiều nước, bổ sung chất xơ vào chế độ ăn uống để cải thiện tình trạng tiêu hóa.
Căng cơ bắp
Hầu hết mẹ bầu tăng khoảng 10-12 kg trong thai kỳ. Cân nặng kết hợp với tác động của hormone lên cơ và dây chằng dẫn đến căng cơ ở lưng, hông, bụng, gây đau nhức ở vùng cơ bị kéo căng. Thai phụ nên uống đủ nước, chườm ấm hoặc tắm nước ấm, nghỉ ngơi, thư giãn kết hợp vận động nhẹ nhàng.
Chuột rút
Khi mang thai, tử cung lớn dần tạo không gian cho thai nhi phát triển, tăng áp lực lên các mạch máu, dây thần kinh, cơ bắp xung quanh. Điều này làm giảm lưu lượng máu đến cơ, dẫn đến co thắt cơ và chuột rút. Những cơn chuột rút này có xu hướng giảm khi được chườm ấm hoặc tự biến mất.
Sảy thai
Đau quặn bụng dưới và xuất huyết âm đạo trước tuần thai 24 là dấu hiệu đe dọa sảy thai. Thai phụ không còn cảm thấy các triệu chứng của ốm nghén như buồn nôn, nôn, đau ngực. Trường hợp này cần đến ngay bệnh viện để khám.
Thai ngoài tử cung
Đau bụng âm ỉ hoặc dữ dội kèm xuất huyết, đau vai, mệt mỏi, chóng mặt, khó chịu khi đi vệ sinh là các triệu chứng thường gặp ở tuần 4-12 nếu thai ngoài tử cung. Tình trạng này xảy ra khi trứng thụ tinh làm tổ bên ngoài tử cung. Thai không thể sống sót, cần phải chấm dứt thai kỳ.
Chuyển dạ giả
Cơn co Braxton Hicks là cơn co chuyển dạ giả chủ yếu xuất hiện ở ba tháng giữa và ba tháng cuối thai kỳ. Đây là dấu hiệu bình thường ở thai phụ, xuất hiện không đều, có xu hướng bắt đầu mạnh rồi yếu dần, nhẹ hơn nhiều so với chuyển dạ thật. Các cơn co gây khó chịu ở vùng bụng, nhưng giảm dần hoặc dừng lại khi mẹ bầu thay đổi tư thế hoặc di chuyển.
Nếu thai dưới 37 tuần, mẹ bầu thường xuyên bị đau bụng hoặc co thắt dữ dội có thể là dấu hiệu của chuyển dạ sớm, cần nhập viện theo dõi.
Nhau bong non
Nhau bong non là biến chứng sản khoa nghiêm trọng, xảy ra khi nhau thai bong ra khỏi thành tử cung. Các triệu chứng bao gồm chảy máu, cứng bụng, đau bụng dữ dội (liên tục hoặc không liên tục), đau lưng dưới. Trường hợp không phát hiện và điều trị kịp thời có thể nguy hiểm cho mẹ và bé.
Tiền sản giật
Đau bụng trên bên phải kèm mờ mắt, đau đầu dữ dội, khó thở, buồn nôn, hoặc mặt, tay, chân bị sưng là các dấu hiệu của tiền sản giật. Đây là tình trạng nguy hiểm do huyết áp thai kỳ tăng cao có thể gây tổn thương gan, thận của thai phụ.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu khiến thai phụ bị đau bụng, tiểu khó (cảm giác nóng rát khi đi tiểu), tiểu đêm, tiểu gấp, tiểu thường xuyên, nước tiểu có màu đục, sẫm hoặc mùi nồng. Bệnh có thể điều trị trong thai kỳ.
Bác sĩ Hưng khuyến nghị thai phụ tuân thủ lịch khám thai định kỳ, phát hiện sớm bất thường, can thiệp và điều trị kịp thời. Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, uống đủ nước, bổ sung vitamin, khoáng chất cần thiết. Mẹ bầu cũng nên vận động nhẹ nhàng kết hợp nghỉ ngơi, thư giãn để thai kỳ khỏe mạnh.
Ngọc Châu
Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |