Ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm, các gia đình thường chuẩn bị mâm cỗ tiễn ông Công, ông Táo về trời như gà luộc, bánh chưng, canh mọc, giò, chè kho, hành muối... Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Thị Thanh, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết các món ăn trong mâm cỗ ngày 23 Tết không chỉ thể hiện sự đủ đầy, lòng thành của gia chủ đối với thần linh mà còn có nhiều dinh dưỡng, có lợi cho hệ tiêu hóa.
Bánh chưng
Bánh chưng là món ăn phổ biến trong dịp này. Bánh chưng với nguyên liệu gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, hạt tiêu, lá dong... hòa quyện vào nhau tạo nên màu sắc bắt mắt, thơm ngon.
Theo Tiến sĩ Vũ Thanh, 1/10 cái bánh chưng (một cái bánh chưng gồm gạo nếp 400 g, thịt lợn 200 g, đậu xanh bỏ vỏ 200 g) cung cấp năng lượng 270 kcal; protein (chất đạm) 11 g; lipid (chất béo) 5,5 g; carbohydrate (chất bột đường) 44 g; canxi 21 mg; phospho 169 mg; magie 65 mg; kẽm 1,5 mg; đồng 314 mg. Khi ăn bánh chưng, cơ thể được cung cấp nhiều năng lượng, chất xơ và vitamin, chất khoáng giúp giảm viêm, giảm nhiễm trùng, dễ tiêu hóa. Song, mọi người lưu ý không ăn quá nhiều.
Chè kho
Chè kho với nguyên liệu chính từ đỗ xanh, mật mía và gừng. Đỗ xanh chứa nhiều chất xơ không hòa tan, protein thực vật và chất carbohydrate hấp thu chậm giúp hệ tiêu hóa thuận lợi, không làm tăng đường máu và giảm hàm lượng cholesterol trong máu.
Tiến sĩ Vũ Thanh cho biết thêm, gừng giúp cải thiện nhu động ruột. Món ăn đi từ dạ dày xuống ruột non nhanh hơn, hấp thu dễ dàng. Trong gừng còn chứa các chất chống viêm mạnh giúp giảm viêm và giảm đau, góp phần ngăn vi khuẩn có hại phát triển trong đường ruột và trong khoang miệng. Gừng còn cải thiện hệ tiêu hóa, hỗ trợ ngăn ngừa bệnh nha chu và ung thư đại tràng.
Gà luộc
Gà luộc là một trong những món làm đẹp mâm cỗ ông Công, ông Táo. Thịt gà có nhiều protein thiết yếu, chứa nhiều tryptophan tạo ra hormone melatonin và serotonin giúp ngủ ngon, khi tỉnh dậy tinh thần sảng khoái, thư giãn. Gan cũng sử dụng tryptophan để sản xuất vitamin B3 là chất cần thiết tạo ra DNA.
Canh củ quả
Canh măng, canh mọc thả, canh xương sườn, canh bóng... thường được nhiều gia đình lựa chọn chế biến trong dịp này. Theo tiến sĩ Vũ Thanh, chất xơ trong các món canh củ quả đi qua ruột, nuôi dưỡng vi khuẩn đường ruột giúp quá trình tiêu hóa khỏe mạnh. Chất xơ không hòa tan làm mềm phân, xốp phân ngăn ngừa táo bón, đồng thời hỗ trợ đào thải cholesterol xấu ra ngoài, ngăn ngừa rối loạn lipid máu, làm chậm hấp thu, tạo cảm giác no lâu...
Nước canh đóng vai trò thiết yếu khi kết hợp với chất xơ để đưa chất rắn đi qua hệ tiêu hóa. Với bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, nước canh là lựa chọn phù hợp để tăng tốc độ tiêu hóa.
Hành muối, dưa góp
Hành muối, dưa góp với màu sắc bắt mắt, điểm xuyến cho mâm cỗ, chứa nhiều vi khuẩn có lợi. Các chất xơ prebiotic trong hành muối, dưa góp nuôi vi khuẩn có ích trong ruột kết, hỗ trợ hệ thống miễn dịch và kiểm soát tình trạng viêm nhiễm. Tuy nhiên, bạn chỉ nên ăn một lượng vừa đủ, ăn quá nhiều và quá nhanh có thể dẫn đến tiêu chảy.
Tiến sĩ Vũ Thanh lưu ý, mâm cỗ ông Công ông Táo có đầy đủ chất dinh dưỡng, từ chất xơ đến chất bột đường, đạm, chất béo. Tuy nhiên, mọi người chỉ nên ăn vừa đủ, cân đối.
Lục Bảo