Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Kim Ngân - Trưởng khoa Sản tại Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, những mẹ dễ có nguy cơ cao trong quá trình mang thai như đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp thai kỳ... Cụ thể, những trường hợp này dễ dẫn tới các biến chứng về sản khoa với mẹ như sản giật - một trong 5 tai biến sản khoa nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng của người mẹ.
Đái tháo đường thai kỳ có thể tăng nguy cơ cho mẹ lẫn con. Mẹ mang thai mà đái tháo đường dễ gặp tình trạng có con to và nguy cơ khi chuyển dạ sinh là tình trạng băng huyết sau sinh... Đây là những nguy cơ cao, làm tăng biến chứng cho mẹ khi mang thai và chuyển dạ. Ngoài ra, còn những nguy cơ cao khác như nhau tiền đạo hoặc nhau cài răng lược... đều làm tăng nguy cơ cho mẹ lẫn bé như tăng nguy cơ tử vong và tăng nguy cơ sinh non cho bé.
Mẹ cần thăm khám và tầm soát định kỳ trong quá trình mang thai để phòng thai kỳ nguy cơ cao. Quá trình mang thai được chia làm 3 tam cá nguyệt gồm: tam cá nguyệt 1 (3 tháng đầu), tam cá nguyệt 2 (3 tháng giữa) và tam cá nguyệt 3 (3 tháng cuối). Mỗi tam cá nguyệt có những mốc khám thai mà các bạn khi mang thai phải nhớ và tuân thủ.

Thăm khám thai cùng bác sĩ, bổ sung các loại vitamin và khoáng chất giúp thai kỳ khỏe mạnh. Ảnh: Freepik.
Ở 3 tháng đầu thai kỳ (tam cá nguyệt 1), mẹ cần khám thai ở những thời điểm không thể bỏ qua là 11 đến 13 tuần 6 ngày. Thời điểm này ngoài xét nghiệm thường quy để phát hiện những bệnh lý của mẹ có thể ảnh hưởng tới con, còn có thêm xét nghiệm quan trọng là tầm soát các bất thường về nhiễm sắc thể của thai nhi, nguy cơ thai phụ tiền sản giật. Điều này giúp phát hiện sớm tiền sản giật và có hướng điều trị dự phòng sớm.
Ở tam cá nguyệt thứ 2, cột mốc mà mẹ không nên bỏ là tuổi thai 20-24 tuần. Lúc này, siêu âm hình thái em bé có thể phát hiện bất thường về hình thái. Ngoài ra, còn có thêm tầm soát thêm dọa sinh non ở tuổi thai 20-24 tuần bằng cách đo chiều dài kênh của tử cung. Tuy nhiên, những trường hợp có yếu tố nguy cơ sinh non, tiền sử sinh non hoặc yếu tố nguy cơ cao phải được đo chiều dài kênh cổ tử cung ở tuổi thai 16-18 tuần.
Ở tam cá nguyệt thứ 3, để phát hiện sớm trường hợp đái tháo đường thai kỳ, thai phụ sẽ phải làm biện pháp dung nạp đường ở tuổi thai 24-28 tuần. Ở tuổi thai 30-32 tuần, thai phụ đi khám thai để được các bác sĩ cho thêm chỉ định siêu âm hình thái quý 3, giúp phát hiện các bất thường muộn xuất hiện ở thời điểm này.
Trên đây là những mốc thai phụ cần phải lưu ý trong quá trình khám thai. Ở tuổi thai 35-36 tuần, thai phụ cũng cần phải khám, siêu âm giúp đánh giá tăng trưởng của em bé, ngôi thai để tiên lượng cho ngày sinh sắp tới.
Thư Kỳ