BS.CKI Trương Thị Ngọc Bửu, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết viêm nang lông xảy ra ở mọi vùng da có lông trên cơ thể, thường gặp ở mặt, ngực, lưng, đùi, mông, da đầu, vùng kín. Biểu hiện dưới dạng những nốt sưng nhỏ, tương tự mụn trứng cá hoặc phát ban. Tùy vào nguyên nhân, viêm nang lông có thể được chia thành những loại dưới đây.
Viêm nang lông do tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) gây nhiễm trùng nang lông khiến da xuất hiện các nốt viêm màu đỏ hoặc trắng chứa mủ, có thể giảm sau vài ngày nếu chăm sóc đúng cách. Trường hợp viêm nang lông do tụ cầu vàng mạn tính cần được can thiệp và điều trị sớm để tránh tái phát.
Viêm nang lông do Pseudomonas aeruginosa còn gọi là viêm nang lông do tắm bồn nước nóng. Vi khuẩn xâm nhập vào nang lông khi người bệnh ngâm mình lâu trong bồn tắm hoặc ở những bể bơi không được vệ sinh tốt. Biểu hiện qua nhiều nốt ban đỏ gây ngứa tại những vùng da tiếp xúc với nước. Vùng viêm nang lông thường tự giới hạn và biến mất sau vài ngày mà không cần can thiệp điều trị.
Viêm nang lông do Malassezia do loại nấm men thường trú trên da. Khi xâm nhập vào các nang lông, nấm gây triệu chứng giống mụn trứng cá. Lưng và ngực là hai vùng da dễ bị loại viêm nang lông này. Bệnh thường nặng hơn ở những người có cơ địa da dầu, đổ nhiều mồ hôi.
Viêm nang lông do sợi lông mọc ngược là tình trạng phát ban không đến từ nhiễm trùng. Loại này thường xảy ra ở vùng râu, cổ. Râu bị cạo quá sát có thể mọc ngược vào bên trong gây kích ứng, dẫn đến viêm.
Viêm nang lông ở cằm thường gặp ở những người thường xuyên cạo râu. Nang lông bị viêm tạo thành các nốt mụn mủ lớn màu đỏ, nguy cơ để lại sẹo cao. Với loại này, nam giới nên tránh cạo râu và đến gặp bác sĩ da liễu để được tư vấn và điều trị đúng cách.
Viêm nang lông do vi khuẩn gram âm gây mụn mủ xuất hiện quanh mũi và miệng, hay gặp ở người sử dụng kháng sinh điều trị mụn trứng cá thời gian dài khiến vi khuẩn dần thích nghi và trở nên kháng thuốc. Theo thời gian, số lượng vi khuẩn tăng mạnh khiến viêm trầm trọng hơn.
Nhọt là tình trạng nang lông nhiễm trùng sâu dẫn đến viêm, hình thành nốt mụn nhọt có màu đỏ, mềm, gây đau và nguy cơ để lại sẹo xấu. Bác sĩ có thể cho người bệnh dùng thuốc hoặc can thiệp bằng thủ thuật rạch mủ.
Nhọt cụm gồm nhiều mụn nhọt tập trung tại cùng một vị trí, tạo thành ổ viêm lớn và sâu. Nhọt cụm có kích thước lớn, nhiễm trùng nặng nên được điều trị bằng thuốc hoặc thủ thuật để xử lý ổ viêm.
Viêm nang lông tăng bạch cầu ái toan hay gặp ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch như HIV hoặc trẻ sơ sinh. Tăng bạch cầu ái toan xảy ra khi số lượng bạch cầu ưa axit trong máu cao hơn 500/mcL. Đặc trưng của viêm nang lông loại này là những nốt mụn mủ gây ngứa tập trung ở vùng mặt, vai, cánh tay trên, cổ và trán. Viêm dạng này có thể tự khỏi mà không cần điều trị nhưng tái phát nhiều lần.
Bác sĩ Ngọc Bửu lưu ý viêm nang lông không khó điều trị nhưng người bệnh nên đến các cơ sở y tế khám để chẩn đoán chính xác nguyên nhân. Tùy từng trường hợp, bác sĩ kê đơn thuốc bôi, thuốc uống nhằm giảm viêm đỏ, ức chế vi khuẩn, nấm phát triển. Điều trị kết hợp liệu pháp ánh sáng giúp nâng cao hiệu quả và giảm tần suất tái phát bệnh.
Trường hợp có mụn nhọt lớn, bác sĩ sẽ chỉ định tiểu phẫu. Với người tái phát thường xuyên, bác sĩ có thể kết hợp thêm liệu trình triệt lông bằng ánh sáng xung cường độ cao IPL hoặc sử dụng laser diode. Hai phương pháp này tác động sâu vào da, triệt tiêu chân lông, làm sạch vùng viêm nhiễm. Bác sĩ khuyến cáo người bệnh không bỏ dở điều trị, khiến viêm dai dẳng, tái phát nhiều lần, gây biến chứng nghiêm trọng như áp xe, nhọt, viêm mô bào.
Yến Nga
Độc giả gửi câu hỏi bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp |