Theo thống kê của Globocan năm 2020, tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới đều có xu hướng tăng. Bên cạnh các yếu tố không thay đổi được như tuổi, gene thì các yếu tố như môi trường, không khí ô nhiễm, thói quen sống ảnh hưởng lớn đến số lượng bệnh nhân ung thư.
Theo HealthSite.com, có 8 tác nhân tồn tại trong cuộc sống hàng ngày có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư.
Ô nhiễm không khí
Khói do ô tô có động cơ như xe tải, xe lửa, tàu thủy, xe buýt, máy phát điện... chạy bằng dầu diesel thực chất là một hỗn hợp chiết xuất hóa học, có liên quan đến nguy cơ mắc ung thư phổi và các bệnh ung thư khác như ung thư thực quản, dạ dày và bàng quang tiết niệu.
Bức xạ UV từ mặt trời và các nguồn nhân tạo
Tiếp xúc trực tiếp với bức xạ UV là nguyên nhân phổ biến gây ung thư da. Hiệp hội Ung thư Mỹ đề cập rằng nguy cơ ung thư da phụ thuộc vào thời gian da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Các yếu tố như tắm nắng trên bãi biển, sống ở những nơi có ánh nắng trực tiếp, cháy nắng hoặc sử dụng các nguồn bức xạ UV nhân tạo đều có thể làm tăng nguy cơ ung thư.
Các thiết bị đốt bằng nhiên liệu
Các thiết bị đốt bằng nhiên liệu như bếp ga và lò sưởi bằng dầu hỏa là nguồn tạo ra hợp chất formaldehyde, một chất hóa học mạnh được giải phóng khi nhiên liệu bị đốt cháy. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định formaldehyde là chất có khả năng gây ung thư.
Chất làm tươi phòng
Hầu hết các sản phẩm mà chúng ta sử dụng trong nhà với mục đích làm sạch có thể có tác dụng phụ gây suy giảm sức khỏe. Các nhà nghiên cứu lấy ví dụ về chất làm mát không khí trong phòng. Hương thơm của chất làm mát phòng giúp tạo cảm giác thoải mái, nhưng chúng thường được tạo nên bởi formaldehyde hoặc napthelene. Cả hai chất này đều là chất có nguy cơ gây ung thư.
Chất bảo quản thực phẩm
Thực phẩm đóng gói đều chứa một số loại chất bảo quản nhằm tăng thêm thời hạn sử dụng. Theo IARC, các chất phụ gia như natri nitrit và nitrat có thể là tác nhân làm tăng nguy cơ ung thư ruột.
Caffeine trong cà phê
Nhiều nghiên cứu cho thấy, một tách cà phê có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ ung thư, nhưng thực tế nó không hiệu quả với tất cả. Đánh giá sâu rộng các nghiên cứu về khả năng gây ung thư của caffeine đã chỉ ra rằng cà phê đóng một vai trò kép. Cà phê hay chính xác là caffeine có liên quan đến việc tăng và giảm sự phát triển của các tế bào ung thư. Mức độ tác động phụ thuộc vào nồng độ sử dụng của mỗi người.
Thuốc lá
Nhiều người đều biết rằng hút thuốc lá làm tăng nguy cơ phát triển ung thư. Điều đó không có nghĩa là những người không hút thuốc được an toàn. Theo IARC, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) và Chương trình Độc chất Quốc gia Mỹ, ngay cả khói thuốc hoặc hút thuốc thụ động cũng đều có khả năng mắc ung thư cao.
Rượu
Mỗi cốc hoặc một ngụm rượu uống vào (vượt quá tiêu chuẩn hướng dẫn), nguy cơ phát triển ung thư đều sẽ tăng lên. IARC công nhận rượu không chỉ là chất gây ung thư mà còn là chất làm tăng tác dụng của chất gây ung thư trong quá trình phát triển. Có nghĩa là, khả năng bị ung thư sẽ tăng lên nếu uống rượu với các chất gây ung thư khác như thuốc lá.
Anh Chi
(Theo The Healthsite.com)