Điều trị ung thư là một quá trình kéo dài, chậm chạp và đắt đỏ. Sau hàng chục năm nghiên cứu, giới khoa học có một số đột phá trong phương pháp điều trị, nhưng những thay đổi chưa đáng kể. Hầu hết chuyên gia ung thư tỏ ra dè dặt với các công trình mới. Họ sẽ luôn xoa dịu những kỳ vọng quá hão huyền bằng cách khẳng định: "Không có loại thuốc tiên (đối với bệnh ung thư) và sẽ không bao giờ có trong tương lai".
Tuy nhiên, hơn 50 năm sau khi phương Tây lần đầu tuyên bố bước vào "cuộc chiến chống lại bệnh ung thư", thế giới dần thu được quả ngọt.
Tỷ lệ sống sót của các bệnh như ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư da cao chưa từng thấy. Bệnh nhân có tiên lượng dài hơn. Với mỗi báo cáo xuất bản, các nhà khoa học hiểu rõ hơn cần vượt qua rào cản nào để chinh phục căn bệnh một cách đúng đắn.
Các chuyên gia cho biết còn chặng đường dài phía trước, song nhờ những tiến bộ không ngừng của khoa học hiện đại, con người đang từng bước chế ngự căn bệnh phức tạp.
Trong những tháng gần đây, thế giới chú ý đến các thành tựu như: vaccine đào tạo hệ miễn dịch tiêu diệt ung thư tuyến tụy; liệu pháp miễn dịch phát hiện tế bào đột biến ở bệnh nhân ung thư trực tràng; các loại thuốc làm chậm phát triển của những tế bào ung thư từng được cho là không thể điều trị.
Nhìn chung, sự kỳ vọng tập trung vào những phương pháp tiếp cận ngày càng chính xác và phù hợp với từng đối tượng cụ thể.
"Chúng tôi bắt đầu phân loạt bệnh nhân thành các nhóm khác nhau, phù hợp với cách điều trị khác nhau thay vì dùng một liệu pháp cho tất cả mọi người", tiến sĩ Naureen Starling, chuyên gia tư vấn về ung thư tại Bệnh viện Royal Marsden, cho biết.
Các chuyên gia đều hiểu rằng không có bệnh ung thư nào giống nhau. Ở mỗi người, tế bào khối u được thúc đẩy bởi hàng loạt đột biến khác biệt, chúng ẩn náu hoặc trốn tránh hệ thống miễn dịch theo cách riêng.
Một trong những thành tựu gần đây là thuốc điều trị miễn dịch thử nghiệm có tên dostarlimab. Thuốc giúp chữa khỏi ung thư trực tràng cho 12 tình nguyện viên của thử nghiệm kéo dài 6 tháng.
Dostarlimab không hoạt động bằng cách tấn công trực tiếp vào chính khối u ung thư, mà thúc đẩy hệ thống miễn dịch của bệnh nhân thực hiện điều này.
Thông thường, tế bào T (tế bào miễn dịch) có nhiệm vụ tìm kiếm và kiểm soát các mầm bệnh lạ. Chúng chứa hai loại protein: loại một giúp kích hoạt phản ứng miễn dịch, loại hai hạn chế khả năng miễn dịch. Đây được gọi là những protein điểm kiểm soát.
Một số tế bào ung thư tạo ra lượng protein loại hai cao. Chúng bất hoạt tế bào T trước khi khối u biến mất. Nói cách khác, tế bào ung thư khiến hệ miễn dịch ở người bệnh đình trệ.
Thuốc dostarlimab ngăn chặn các protein điểm kiểm soát loại hai, tức là ngăn chặn ảnh hưởng của tế bào ung thư lên hệ miễn dịch. Khi hệ miễn dịch hoạt động trở lại, các tế bào T có thể tìm thấy và tấn công tế bào ung thư.
Dù vậy, thuốc chỉ phù hợp với bệnh nhân bị suy giảm chức năng hệ thống sửa lỗi ghép cặp DNA (MMR). Những bệnh nhân này có một số đột biến gene nhất định, khiến hệ thống sửa chữa gặp sai lầm khi ghép cặp DNA trong tế bào. Các tế bào không được sửa lỗi thường có nhiều đột biến gene, có thể dẫn đến ung thư.
Ngoài Dostarlimab, có hàng nghìn nghiên cứu lâm sàng nhằm khai thác sức mạnh của hệ miễn dịch để tấn công vào điểm yếu của khối u ác tính. Đột biến gây ra tình trạng MMR hiện diện trong 4% bệnh nhân ung thư ruột kết, 4% người mắc ung thư dạ dày, 2% ca ung thư tuyến tụy. Hiệu quả của thuốc phụ thuộc vào vị trí khối u và cách hệ thống miễn dịch hoạt động trên khu vực đó.
Công cụ khác giúp điều trị ung thư là "liệu pháp nhắm mục tiêu", tập trung vào bản thân khối u và các tế bào ung thư thay vì hệ thống miễn dịch. Liệu pháp tấn công những công tắc của tế bào và các protein phân chia, sao chép đang có vấn đề, khiến khối u phát triển không kiểm soát.
Loại thuốc mới áp dụng cơ chế này có tên trastuzumab deruxtecan, được trình bày tại cuộc họp của Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Mỹ. Ở 373 bệnh nhân dùng thuốc trong thử nghiệm lâm sàng, các khối u ngừng phát triển trong khoảng 10 tháng.
Đối với các bệnh nhân ung thư vú di căn đang tiến triển bất chấp hóa trị, trastuzumab deruxtecan tấn công trực tiếp vào tế bào ung thư. Nó có độ chính xác tương đương chiếu tia laser, làm chậm sự phát triển của khối u và kéo dài sự sống cho người bệnh ở mức độ chưa từng thấy.
Thuốc nhắm vào HER2 - một gene góp phần thúc đẩy ung thư vú phát triển. Đây là một dạng đột biến thường thấy ở ung thư vú và nhiều dạng bệnh khác. Các bệnh nhân có mức HER2 cao có thể điều trị hiệu quả bằng thuốc. Tuy nhiên, ở người bệnh chỉ có một vài tế bào HER2, những loại thuốc này không có tác dụng. Trastuzumab deruxtecan chứa một loại kháng thể tìm kiếm và tiêu diệt HER2 trước khi nó di chuyển đến các tế bào ung thư lân cận.
Tác dụng thuốc vượt ngoài phạm vi ung thư vú. Nó mở ra cánh cửa để nhắm mục tiêu vào các bất thường về phân tử trên tế bào khối u nói chung, xuất hiện thưa thớt ở các bệnh nhân.
Niềm hy vọng khác của giới khoa học trong việc điều trị và phòng ngừa ung thư là vaccine sử dụng công nghệ mRNA, tương tự vaccine Covid-19. Vaccine huấn luyện hệ miễn dịch tiêu diệt các tế bào ung thư tuyến tụy.
Trong nghiên cứu được công bố tại Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Mỹ, một nửa số bệnh nhân được tiêm vaccine không mắc bệnh sau 18 tháng.
Ung thư tuyến tụy là một trong số những loại ung thư nguy hiểm nhất, 90% bệnh nhân tử vong trong vòng hai năm sau khi được chẩn đoán. Tỷ lệ sống sót và đột phá trong điều trị vẫn không cải thiện sau nhiều thập kỷ.
Vaccine ung thư tuyến tụy mở ra hy vọng mới. Nó được thiết kế riêng cho từng bệnh nhân với mã di truyền mRNA tìm thấy trong chính khối u của họ. Sau khi tiêm, vaccine hướng dẫn cơ thể tạo ra các protein giống hệt với protein trên bề mặt khối u, kích hoạt phản ứng miễn dịch.
Sau khi bị tiêu diệt, cơ thể hình thành trí nhớ miễn dịch. Các tế bào ung thư còn lại trong máu sẽ tiếp tục bị tế bào T tiêu diệt trong tương lai, ngăn ung thư tái phát. 8 trong số 16 bệnh nhân được tiêm vaccine không phát triển ung thư trong suốt thử nghiệm lâm sàng.
Dù vậy, theo tiến sĩ Juanita Lopez, một nhà nghiên cứu lâm sàng tại Viện Nghiên cứu Ung thư London, các chiến lược điều trị "cá nhân hoa cao" kiểu này thường phức tạp, đắt đỏ và tốn nhiều thời gian. Các chuyên gia mất khoảng 4 tuần để tạo ra vaccine cho chỉ một bệnh nhân.
Để xác định liệu vaccine có tác dụng phòng ngừa như mũi tiêm HPV ngừa ung thư cổ tử cung hay không, giới khoa học sẽ mất thêm 10 đến 20 năm nữa.
Dù không có "viên đạn bạc" điều trị dứt điểm ung thư, các nhà khoa học vẫn tin tưởng có thể từng bước gỡ án tử cho bệnh nhân bằng các phương pháp ngày càng tinh vi, chính xác.
"Giống với thời gian đầu tiên khi hóa trị bắt đầu được đưa vào ứng dụng, đây có thể là khởi đầu của một sự thay đổi lớn, nơi chúng ta chuyển sang giai đoạn tiếp theo", tiến sĩ Sam Godfrey, Giám đốc thông tin nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Ung thư Anh, nói.
Thục Linh (Theo SCMP)