Ngày 27/7, bác sĩ Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở kéo dài, sụt cân. Tiền sử bệnh nhân khỏe mạnh, không có bất thường, chụp X-quang ngực phát hiện tràn dịch màng phổi phải.
Người bệnh tiếp tục chọc hút dịch màng phổi xét nghiệm Cellblock (kỹ thuật khối tế bào). Bác sĩ xác định bệnh nhân mắc ung thư biểu mô tuyến phổi phải di căn hạch, màng phổi, xương đa ổ giai đoạn 4.
Theo bác sĩ, tùy theo giai đoạn, kết quả mô bệnh học và thể trạng bệnh nhân để đưa ra phác đồ điều trị thích hợp. Phác đồ điều trị ung thư phổi thường là sự kết hợp của nhiều phương pháp như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị liệu, điều trị đích và liệu pháp miễn dịch.
"Trường hợp ung thư giai đoạn muộn có đột biến gene, ê kíp quyết định điều trị bằng phương pháp nhắm trúng đích", bác sĩ nói.
Sau ba tháng, bệnh nhân ổn định, hết đau ngực, không khó thở. Bác sĩ đánh giá, người bệnh đáp ứng một phần, dung nạp thuốc tốt, không xảy ra tác dụng phụ ảnh hưởng tới điều trị.
Hiện, bệnh nhân tiếp tục được điều trị theo phác đồ và tái khám theo lịch.
Theo Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), ung thư phổi là bệnh ung thư phổ biến thứ hai trên thế giới (chiếm 11,4%) với khoảng 2,2 triệu ca mắc mới năm 2020. Tỷ lệ tử vong do ung thư phổi cao nhất trong tất cả bệnh ung thư, với gần 1,8 triệu ca tử vong trong năm.
Ở Việt Nam, ung thư phổi ở vị trí thứ hai sau ung thư gan với khoảng 26.000 người mắc mới và 23.000 người tử vong mỗi năm. 75% bệnh nhân ung thư phổi tại nước ta phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn. Đây là bệnh lý ác tính, tiến triển rất âm thầm ở giai đoạn sớm, hầu như không có biểu hiện lâm sàng. Các triệu chứng chỉ xuất hiện khi khối u kích thước đủ lớn và xâm lấn vào các tổ chức lân cận xung quanh. Đa số trường hợp phát hiện sớm là do khám sức khỏe định kỳ hoặc đi khám các bệnh lý khác tình cờ phát hiện ra.
Ung thư phổi chia làm hai dạng chính là ung thư phổi tế bào nhỏ, chiếm 15% và ung thư phổi không tế bào nhỏ, 85%. Trong đó, ung thư phổi không tế bào nhỏ là một trong những bệnh ung thư thường gặp tại Việt Nam, đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong (sau ung thư gan).
Loại không tế bào nhỏ ở giai đoạn sớm có tỷ lệ khỏi bệnh cao, 92% sống 5 năm nếu khối u kích thước dưới một cm, 1% sống sau 5 năm nếu di căn xa. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân thường vào viện khi bệnh ở giai đoạn muộn (giai đoạn III, IV).
Theo bác sĩ Phương, việc chẩn đoán và điều trị sớm ung thư phổi vẫn còn là một thách thức lớn đối với nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Nhóm nguy cơ cao như tuổi trên 50, hút thuốc lá nhiều năm; người làm việc trong môi trường tiếp xúc với hóa chất độc hại, các chất phóng xạ hoặc trong gia đình có nhiều người mắc ung thư... cần khám sức khỏe định kỳ để phòng ngừa bệnh.
Thùy An