Nhiễm trùng tai thường không lây nhiễm. Một số trường hợp có thể tự hết hoặc cần dùng thuốc giảm đau không kê đơn và thuốc kháng sinh. Bệnh khá phổ biến ở trẻ em và người thường xuyên bơi lội. Theo Hiệp hội Tai mũi họng và Dị ứng Mỹ, nhiễm trùng tai có thể gây ra các biến chứng ở mọi lứa tuổi.
Mất thính giác
Tình trạng này có thể xảy ra nếu nhiễm trùng tai mạn tính. Phần lớn các trường hợp mất thính lực chỉ tạm thời và nguy cơ mất thính giác vĩnh viễn do nhiễm trùng tai là thấp. Tuy nhiên, mất thính giác có thể gây rắc rối, cản trở nhiều trong sinh hoạt. Đối với trẻ nhỏ mới tập nói, trẻ không thể nghe, học hỏi và nói được. Mất thính giác kéo dài ở trẻ có thể khiến trẻ chậm nói. Nhiễm trùng ảnh hưởng đến cả hai tai là bệnh nghiêm trọng cần điều trị sớm.
Viêm xương chũm
Nhiễm trùng xương sau tai, viêm xương chũm có thể bắt đầu nhẹ rồi tiến triển thành nặng. Trong hầu hết các trường hợp, trẻ có nguy cơ bị viêm xương chũm nếu bị nhiễm trùng tai lặp đi lặp lại. Các triệu chứng gồm đỏ hoặc sưng trên xương phía sau tai, sưng dái tai và đau đầu. Nếu điều trị không hiệu quả và nhiễm trùng lan rộng, các biến chứng nghiêm trọng khác có thể xảy ra, gồm mất thính giác, viêm màng não và áp xe não.
Viêm màng não
Người lớn và trẻ em trên 2 tuổi bị viêm màng não có biểu hiện giống như cúm, đau đầu, sốt và buồn nôn. Trẻ sơ sinh có thể khóc liên tục, mệt mỏi hoặc bị cứng cơ và cổ khi mắc biến chứng viêm màng não do nhiễm trùng tai. Nếu cúi cổ về phía trước để cằm chạm ngực sẽ cảm thấy rất đau có thể là dấu hiệu của bệnh viêm màng não. Viêm màng não có thể đe dọa tính mạng hoặc dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn, vì vậy phải đi khám bác sĩ ngay khi có những dấu hiệu trên. Điều trị thông thường là tiêm kháng sinh qua đường tĩnh mạch trong tối đa 21 ngày khi nhập viện.
Áp xe não
Áp xe não có thể xảy ra khi mủ tích tụ trong não do nhiễm trùng. Các triệu chứng của áp xe não gồm sốt, buồn nôn, nôn, nhức đầu và các thay đổi về ý thức. Áp xe não thường được điều trị bằng phẫu thuật và kháng sinh kết hợp. Đây là một trường hợp nguy cấp do nhiễm trùng tai, có thể đe dọa tính mạng. Điều trị kịp thời, cơ hội sống có thể là 70%.
Vỡ màng nhĩ
Màng nhĩ bị vỡ khi chất lỏng tích tụ áp suất trong tai giữa, thường sẽ tạo ra một lỗ nhỏ. Khi màng nhĩ bị thủng, tai không còn đau nữa vì không còn áp lực. Nhiều trường hợp màng nhĩ bị thủng do nhiễm trùng tai sẽ tự lành, thường lành trong vòng một vài tuần.
Liệt mặt
Dây thần kinh mặt điều khiển khuôn mặt chạy xuyên qua tai và bạn có thể bị liệt mặt (thường là một bên mặt) do nhiễm trùng tai. Tình trạng này thường hiếm, tỷ lệ là 0,05% (1/2.000 trường hợp nhiễm trùng tai). Bệnh có thể hồi phục hoàn toàn nhưng cũng có thể nguy hiểm. Bệnh nhân nên thăm khám bác sĩ ngay nếu xuất hiện biến chứng này.
Viêm tai giữa mạn lành tính tróc vảy
Theo Hiệp hội Tai mũi họng và Dị ứng New York, tái nhiễm trùng tai có thể làm hỏng các xương nhỏ ở tai giữa dẫn đến hỏng thính giác hoặc dẫn đến tình trạng gọi là cholesteatoma, xảy ra khi mô phát triển và chặn màng nhĩ. Cholesteatoma là dạng viêm tai giữa mạn lành tính tróc vảy được đặc trưng bởi một khối bị sừng hóa, tích tụ các tế bào chết (vảy) nằm ở tai giữa hoặc xương chũm, có thể là tổn thương tiên phát hoặc thứ phát do thủng màng nhĩ. Phẫu thuật thường là cần thiết để điều trị tình trạng này.
Nguy cơ gặp các biến chứng trên thường có tỷ lệ thấp. Cơn đau tai ngày càng trở nên tồi tệ hơn hoặc sốt rất cao do nhiễm trùng tai là dấu hiệu cho thấy biến chứng. Người bệnh nên thăm khám khi nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào liên quan nhiễm trùng tai.
Mai Cat
(Theo Everyday Health)