Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, một số nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ nhiễm HP ở nước ta trung bình khoảng 70%. Không chỉ người lớn, tình trạng viêm loét dạ dày và nhiễm khuẩn HP cũng có thể gặp ở trẻ em, thậm chí ở trẻ hai tuổi. Nguyên nhân có thể do ăn uống chung, không rửa kỹ tay sau khi đi vệ sinh và thói quen mớm thức ăn của người mẹ.
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Quỳnh Ngân, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, vi khuẩn HP được tìm thấy đầu tiên trong dạ dày từ những năm 1980. Sau hơn 35 năm nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện HP là nguyên nhân chủ yếu gây viêm dạ dày cấp mạn tính và loét dạ dày (khoảng 70-90%), loét tá tràng (khoảng 90- 95%), khó tiêu chức năng (khoảng 20%). Năm 1994, Tổ chức nghiên cứu về ung thư quốc tế và Tổ chức Y tế thế giới đã xếp HP là nguyên nhân nhóm một gây ra ung thư biểu mô tuyến dạ dày và gây u MALT (Mucosa - associated Lymphoid Tissue).
Bác sĩ Vũ Trường Khanh cũng chia sẻ thêm, tại Việt Nam chưa có nghiên cứu cụ thể, nhưng viêm teo niêm mạc dạ dày nặng do HP có khả năng gây ung thư dạ dày, tiến triển qua các giai đoạn như viêm teo niêm mạc dạ dày, dị sản ruột, loạn sản và cuối cùng là ung thư dạ dày.
Việc điều trị nhiễm vi khuẩn HP tại Việt Nam đang đối mặt với tình trạng kháng kháng sinh, do lạm dụng thuốc kháng sinh hoặc người bệnh bỏ dở toa thuốc điều trị. Trong một nghiên cứu đăng trên Tạp chí khoa học Tiêu hóa Việt Nam số 65, tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh trong điều trị HP của Bệnh viện đại học Y Hà Nội giai đoạn 2018-2020, tỷ lệ vi khuẩn HP được nuôi cấy kháng hai và ba loại thuốc kháng sinh tương ứng là 42,7 và 37,4%.
Phát hiện nguy cơ và điều trị sớm
Bác sĩ Quỳnh Ngân cho biết, các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ viêm loét dạ dày tá tràng thường được chỉ định thực hiện nội soi để phát hiện và điều trị triệt để các tổn thương, đồng thời xác định có nhiễm vi khuẩn HP hay không. Đây là phương pháp trực tiếp duy nhất cho phép bác sĩ có thể quan sát ống tiêu hóa, chẩn đoán các bệnh lý về đường tiêu hóa thường gặp, tầm soát ung thư. Trong quá trình nội soi, bác sĩ cũng có thể sử dụng một số dụng cụ đặc biệt để cắt polyp, sinh thiết, cầm máu, lấy dị vật trong ống tiêu hóa, nong những phần bị hẹp, thắt tĩnh mạch thực quản...
Đại diện hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, dịch vụ nội soi tiêu hóa (thực quản, dạ dày, đại trực tràng) của bệnh viện được thực hiện theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài việc đảm bảo thời gian nội soi đủ tiêu chuẩn để quan sát niêm mạc dạ dày và toàn bộ đại tràng, bệnh viện đảm bảo dụng cụ nội soi được khử trùng và vệ sinh sạch sẽ để không làm lây nhiễm vi khuẩn HP từ người này sang người khác.
Bệnh viện cũng áp dụng phương pháp nội soi tiêu hóa gây mê không đau, giúp người bệnh, nhất là trẻ em không cảm thấy sợ, đau hoặc buồn nôn, nôn trong suốt quá trình soi. Bác sĩ sẽ gây mê cho bệnh nhân trong thời gian ngắn, khoảng 15-30 phút. Người bệnh sau khi soi xong sẽ tỉnh lại nhanh chóng và không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe.
Hệ thống máy nội soi hiện đại nhất của bệnh viện được trang bị với nhiều ưu điểm cho phép chẩn đoán tốt hơn; góc nhìn rộng để bác sĩ có thể quan sát những vùng khó thấy như các thành ngược của nếp gấp đại tràng. Công nghệ hình ảnh với khả năng phóng đại hơn 140 lần giúp quan sát các tổn thương có kích thước nhỏ và phức tạp mà mắt thường không thể nhận ra.
Bác sĩ Vũ Trường Khanh cho biết thêm, hệ thống nội soi sử dụng nguồn sáng BLI (hình ảnh ánh sáng xanh - blue light imaging) và LCI (hình ảnh màu kết hợp - linked color imaging) giúp bác sĩ quan sát các vi mạch máu và cấu trúc vi bề mặt, có thể phát hiện rất sớm những tổn thương dễ bị ống soi có ánh sáng trắng thông thường bỏ sót.
Ngọc An
Nhằm mang đến thông tin y khoa chính thống về các bệnh lý đường tiêu hóa thường gặp, từ ngày 1-5/3/2022, hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh phối hợp với báo Vnexpress.net tổ chức chương trình tư vấn với chủ đề "Các bệnh lý tiêu hóa thường gặp: Nhiễm vi khuẩn HP dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày tá tràng, xuất huyết dạ dày".
Chương trình có sự tham gia của các bác sĩ đầu ngành trong lĩnh vực tiêu hóa ở TP HCM và Hà Nội như: TS.BS Đỗ Minh Hùng - Giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa; BS.TS Vũ Trường Khanh, Trưởng Khoa Tiêu hóa - Gan mật tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội; ThS.BS.CKII Lê Thanh Quỳnh Ngân, Trưởng khoa Nội tiêu hóa; BS.CKI Hoàng Đình Thành; BS.CKI Huỳnh Văn Trung; ThS.BS Nguyễn Phước Lâm; BS. Hoàng Nam; BS. Đào Trần Tiến.
Độc giả quan tâm đến chương trình có thể gởi câu hỏi tại đây để được các chuyên gia tư vấn.