Nhiễm trùng não là tình trạng viêm nhiễm tại mô não hoặc màng não và tủy sống. Nguyên nhân chủ yếu do các loại virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng gây ra. Bệnh cũng có thể xảy ra do biến chứng sau phẫu thuật não hoặc tủy sống. Một số trường hợp do rối loạn hệ thống miễn dịch, cơ thể tự tạo ra chất để tấn công, gây tổn thương các tế bào khỏe mạnh ở não hoặc tủy sống hay còn gọi là viêm não tủy tự miễn.
ThS.BS.CKI Hoàng Thị Tố Uyên, khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết nhiễm trùng não cấp hoặc mạn tính đều nguy hiểm, có khả năng gây biến chứng như tăng áp lực nội sọ, phù não, co giật, yếu liệt tay chân, mất ý thức, hôn mê, tử vong. Dưới đây là 5 loại nhiễm trùng não thường gặp.
Viêm màng não là tên gọi chung của các bệnh nhiễm trùng xảy ra ở màng não hoặc màng tủy. Nếu không chữa trị kịp thời, tình trạng nhiễm trùng có thể tấn công lan đến mô não hoặc tủy sống, dẫn đến viêm não màng não do phế cầu, viêm màng não do ký sinh trùng, viêm màng não do virus sởi, quai bị, zona, giang mai...
Viêm não là tình trạng nhiễm trùng viêm nhu mô não. Một số bệnh viêm não thường gặp như viêm não Nhật Bản, viêm não tự miễn, viêm não do virus herpes simplex, zona, enterovirus... và triệu chứng thường nặng.

Điều dưỡng kiểm tra các chỉ số sức khỏe cho người bệnh nhiễm trùng não. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Áp xe não xảy ra khi nhiễm trùng tạo mủ trong nhu mô não, hình thành ổ áp xe làm tăng áp lực nội sọ. Nhiễm trùng ở các cơ quan khác của cơ thể như viêm phổi, áp xe răng, viêm nội tâm mạc dễ lây lan qua đường máu, xâm nhập vào não, dẫn đến một hoặc nhiều ổ áp xe não. Nhiễm trùng ở mặt hoặc xoang cũng có khả năng lây lan trực tiếp đến não gây áp xe.
Áp xe ngoài màng cứng là tình trạng nhiễm trùng tấn công vào khoang ngoài màng cứng, ở bất kỳ vị trí nào trong não hoặc tủy sống, tạo mủ và hình thành ổ áp xe. Bệnh thường do biến chứng của nhiễm trùng tai mũi họng hoặc biến chứng sau phẫu thuật sọ não, cột sống.
Tụ mủ dưới màng cứng xảy ra khi khoang giữa màng cứng và màng nhện bị viêm nhiễm, tụ mủ. Bệnh viêm xoang cạnh mũi, viêm xoang trán, viêm tai giữa, viêm xương chũm, nhiễm trùng bề mặt da đầu và hộp sọ... không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tụ mủ dưới màng cứng.
Triệu chứng bệnh nhiễm trùng não phụ thuộc vào vùng não bị nhiễm trùng và mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng. Người bệnh có thể bị sốt cao, đau đầu, cứng cổ, tê yếu tay chân, buồn nôn, co giật, thay đổi hành vi, ý thức suy giảm... Người bệnh cần đi khám và điều trị kịp thời tại chuyên khoa thần kinh, tránh để lâu nguy hiểm.
Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ cần dựa trên kết quả khám lâm sàng, hỏi bệnh sử, kết hợp các xét nghiệm, chụp chiếu phù hợp như xét nghiệm máu, xét nghiệm dịch não tủy, chụp CT 768 lát cắt, 1975 lát cắt hay 100.000 lát cắt, chụp MRI 1,5-3 Tesla... Tùy nguyên nhân, vị trí và mức độ nhiễm trùng não, bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp như dùng thuốc, phẫu thuật.
Để phòng bệnh, bác sĩ Tố Uyên khuyến cáo trẻ trên hai tuổi và người lớn nên uống thuốc tẩy giun định kỳ mỗi năm một lần hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Thường xuyên rửa tay, đeo khẩu trang khi tiếp xúc đông người, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ. Chế độ dinh dưỡng khoa học, làm việc và vận động vừa sức. Mỗi người nên duy trì khám sức khỏe định kỳ, điều trị ổn định bệnh nền và dứt điểm các bệnh nhiễm trùng nếu mắc phải nhằm hạn chế nguy cơ dẫn tới nhiễm trùng não. Tiêm vaccine phòng ngừa các chủng virus, vi khuẩn gây bệnh viêm não, viêm màng não.
Trường Giang
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |