Chuyển phôi là bước quan trọng cuối cùng của quá trình điều trị thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Sau khi kích thích nang noãn và chọc hút noãn, số noãn và tinh trùng đạt chất lượng được chuyển đến phòng lab để thụ tinh và tạo phôi. Phôi được nuôi cấy bên ngoài 2-5 ngày. Bác sĩ chọn phôi chất lượng tốt nhất, sử dụng ống thông mỏng và mềm để đưa vào tử cung. Khoảng 10-14 ngày sau, người bệnh được kiểm tra xem quá trình thụ thai có thành công không.
ThS.BS Phan Hà Minh Hạnh, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh - Quận 8, lưu ý trước khi chuyển phôi, nội mạc tử cung cần được chuẩn bị tốt để tạo điều kiện thuận lợi cho phôi bám vào và phát triển. Do đó, các bệnh lý tử cung có thể làm giảm tỷ lệ làm tổ của phôi và tăng nguy cơ sảy thai.
U xơ tử cung có thể hình thành tại nhiều vị trí trong tử cung. Trong đó, u nằm dưới niêm mạc ảnh hưởng lớn nhất vì gây biến dạng khoang tử cung, cản trở quá trình làm tổ của phôi. Những khối u trong cơ tử cung cũng có thể làm giảm lưu lượng máu cung cấp cho nội mạc, giảm khả năng tiếp nhận phôi. Để xử lý vấn đề này, bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ u xơ.
Polyp nội mạc tử cung có thể gây cản trở cơ học đối với vị trí phôi làm tổ, thay đổi tiết cytokine và hormone, ảnh hưởng quá trình trao đổi chất giữa phôi và nội mạc tử cung. Bác sĩ Hạnh khuyến cáo người bệnh nên loại bỏ polyp bằng phương pháp mổ nội soi trước khi thực hiện thủ thuật.

Bác sĩ Minh Hạnh khám và tư vấn cho một người bệnh trước khi chuyển phôi. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Lạc nội mạc tử cung tạo ra môi trường viêm, ảnh hưởng đến sự gắn kết và khả năng bám của phôi, đồng thời tác động đến nội tiết tố trong chu kỳ làm tổ. Để tăng tỷ lệ thành công, người bệnh được điều trị bằng thuốc nội tiết hoặc phẫu thuật bóc các khối nang này.
Dính buồng tử cung thường xảy ra do nạo hút thai, phá thai hoặc phẫu thuật can thiệp bên trong như bóc u xơ, cắt khối polyp hoặc vách ngăn tử cung. Các vách dính làm biến dạng khoang và giảm diện tích bề mặt nội mạc tử cung, ảnh hưởng đến sự phát triển phôi thai. Bệnh lý này được điều trị bằng cách nội soi để gỡ dính, kết hợp liệu pháp hormone để tái tạo lớp nội mạc.
Viêm nội mạc tử cung mạn tính gây viêm và làm thay đổi cấu trúc, chức năng của nội mạc tử cung. Nguyên nhân gây bệnh thường là do nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục hoặc thảm vi khuẩn thường trú trong âm đạo, viêm màng ối trong quá trình chuyển dạ hoặc nhiễm khuẩn sau sinh, nhiễm trùng sau sảy thai hoặc sinh con... Viêm nội mạc có thể phát hiện qua nội soi buồng tử cung. Bác sĩ thường chỉ định điều trị bằng thuốc kháng sinh trước chuyển phôi.
Bất thường bẩm sinh như tử cung đôi, tử cung vách ngăn... làm biến dạng khoang tử cung, gây khó khăn cho phôi trong việc tìm vị trí làm tổ, giảm không gian và nguồn máu cung cấp cho phôi. Từ đó, người bệnh tăng nguy cơ sảy thai, sinh non và biến chứng trong thai kỳ. Trường hợp bất thường nặng cần được phẫu thuật nội soi để chỉnh sửa cấu trúc này trước khi chuyển phôi.
Nội mạc tử cung mỏng khiến dinh dưỡng và máu không được cung cấp đủ, dẫn đến thiếu các phân tử kết dính cần thiết để phôi bám vào và làm tổ. Người bệnh được sử dụng hormone (estrogen) hoặc các biện pháp hỗ trợ lưu thông máu (như aspirin liều thấp, liệu pháp tiêm huyết tương giàu tiểu cầu) để cải thiện độ dày nội mạc.
Bác sĩ Hạnh cho biết các bệnh lý gây thay đổi về cấu trúc, chức năng hoặc môi trường nội mạc tử cung đều có thể làm giảm tỷ lệ thành công của quá trình chuyển phôi. Người bệnh cần đến các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời trước khi chuyển phôi.
Đình Lâm
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |