Niêm mạc tử cung là lớp tế bào mỏng lót trên bề mặt phía bên trong lòng tử cung, là nơi làm tổ của phôi. Niêm mạc tử cung gồm hai lớp là lớp đáy (lớp nội mạc căn bản) là những tế bào mô tuyến, mô trụ đệm không bị ảnh hưởng bởi chu kỳ kinh nguyệt và lớp bề mặt (lớp nội mạc tuyến) bị bong ra trong thời kỳ kinh nguyệt.
Độ dày của lớp tế bào này thay đổi vào từng thời điểm khác nhau trong chu kỳ kinh. Khi vừa hết chu kỳ, niêm mạc tử cung bắt đầu tái tạo, độ dày chỉ khoảng 2-4 mm. Giữa kỳ kinh đến trước thời điểm rụng trứng, lớp tế bào dày lên đáng kể, khoảng 11 mm. Giai đoạn sau rụng trứng và sắp đến kỳ kinh nguyệt, lớp niêm mạc khoảng 12-16 mm.
Nếu trứng không được thụ tinh, lớp nội mạc tử cung tự bong ra tạo thành kinh nguyệt. Trường hợp trứng được thụ tinh và làm tổ, cơ thể tiết ra các hormone thúc đẩy lớp niêm mạc dày lên, tạo môi trường lý tưởng để phôi thai phát triển.
Niêm mạc tử cung vào thời điểm rụng trứng trong chu kỳ quá dày hoặc quá mỏng đều có thể khiến khó thụ thai. Bác sĩ Nguyễn Phúc Hiếu, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội (IVF Tâm Anh), cho biết độ dày lý tưởng để thụ thai khoảng 8-12 mm. Nếu niêm mạc dày dưới 7 mm cơ hội thụ thai giảm, giảm khả năng giữ thai trong tử cung.
Ngay cả khi thực hiện biện pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh ống nghiệm (IVF), niêm mạc mỏng có thể gây khó khăn cho phôi làm tổ, giảm tỷ lệ chuyển phôi thành công hoặc phôi thai có nguy cơ bong khỏi lớp niêm mạc dẫn đến sảy thai, thai lưu. Tình trạng này cũng khiến phôi thai không nhận đủ chất dinh dưỡng, dẫn đến chậm phát triển trong tử cung.
Bác sĩ Hiếu lý giải một số nguyên nhân khiến niêm mạc tử cung mỏng.
Nồng độ estrogen trong máu thấp làm ảnh hưởng đến sự tăng sinh tế bào trong lớp nội mạc tử cung, khiến niêm mạc mỏng.
Chế độ dinh dưỡng kém khiến cơ thể thiếu chất, thiếu máu, hạn chế sự phát triển của lớp niêm mạc tử cung.
Giảm lưu lượng máu đến tử cung khiến lớp nội mạc tử cung co lại và mỏng hơn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, một trong số đó là lối sống ít vận động.
Lớp nội mạc tử cung bị tổn thương do mắc một số bệnh nhiễm trùng tử cung trước đó như viêm vùng chậu, lao sinh dục nữ, bệnh lây truyền qua đường tình dục... Những mô sẹo dính hình thành trong lớp nội mạc tử cung cũng cản trở sự tưới máu tới cơ quan này, khiến niêm mạc mỏng. Một số trường hợp có thể cần phẫu thuật loại bỏ các mô sẹo để cải thiện khả năng mang thai.
Nạo phá thai làm tổn thương, bào mòn lớp đáy niêm mạc tử cung, khiến lớp niêm mạc mới không thể phát triển, nhất là những can thiệp bằng dụng cụ tại buồng tử cung. Can thiệp phẫu thuật trong buồng tử cung còn khiến thành tử cung ở hai mặt trước và sau dính lại với nhau, gây khó khăn trong quá trình tái tạo lớp nội mạc chức năng sau khi kết thúc chu kỳ kinh, làm niêm mạc tử cung mỏng hơn.
Thuốc tránh thai hoạt động bằng cách ngăn hiện tượng rụng trứng, tăng tiết chất nhầy xung quanh cổ tử cung, cản trở trứng tiếp cận với tinh trùng. Đồng thời, hoạt chất trong thuốc tránh thai như progestin có tác dụng làm mỏng lớp niêm mạc tử cung để trứng không thể bám vào niêm mạc và làm tổ.
Sử dụng thuốc kích thích rụng trứng quá nhiều có thể ảnh hưởng đến khả năng sản xuất nội tiết tố estrogen của cơ thể. Từ đó, niêm mạc tử cung khó phát triển dày lên như bình thường.
Vấn đề liên quan đến hormone như thay đổi hormone, cường kinh, chu kỳ kinh nguyệt không đều... có thể ảnh hưởng đến phát triển niêm mạc, giảm độ dày tử cung. Một số người có niêm mạc tử cung mỏng tự nhiên, không xác định được nguyên nhân.
Những triệu chứng cảnh báo nội mạc tử cung mỏng thường là rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh bất thường, máu trong kỳ kinh ra ít hơn bình thường, gặp khó khăn trong vấn đề sinh sản như khó đậu thai, sảy thai, thai lưu... "Đây là thách thức cho ngành y học sinh sản trên thế giới, khiến hàng nghìn cặp vợ chồng không thể có con", bác sĩ Hiếu nói.
Điều trị tùy thuộc vào từng nguyên nhân. Người bệnh có thể được chỉ định sử dụng thuốc hoặc can thiệp ngoại khoa nếu cần thiết. Bác sĩ Hiếu cho biết hiện liệu pháp ứng dụng tế bào gốc bơm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân (PRP) được xem là một trong những cách có thể kích thích sự phát triển của lớp niêm mạc, tăng độ dày của nội mạc tử cung, cải thiện khả năng thụ thai. Phương pháp này dùng chính máu, huyết tương của người bệnh bơm trực tiếp vào buồng tử cung, kích thích màng đáy tiết ra nhiều yếu tố tăng trưởng để làm dày niêm mạc.
Theo bác sĩ Hiếu, PRP an toàn, không có nguy cơ phát triển phản ứng dị ứng hoặc kháng thuốc. Kỹ thuật này đã được Bộ Y tế cấp phép và nghiên cứu ứng dụng tại IVF Tâm Anh. Tỷ lệ IVF thành công ở nhóm bệnh nhân có nội mạc tử cung mỏng sử dụng phương pháp này lên đến 42,4 %.
Thực hiện lối sống lành mạnh như xây dựng chế độ ăn uống, vận động hợp lý cũng cải thiện lưu lượng máu đến tử cung, cân bằng nội tiết tố, đảm bảo sức khỏe tử cung.
Bác sĩ Hiếu khuyên phụ nữ nên tăng cường thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, chất xơ, vitamin và khoáng chất như rau xanh đậm, đậu, bắp cải, bông cải xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt... Ưu tiên thực phẩm giàu omega-3, gia vị tăng lưu lượng máu như gừng, nghệ tây, quế, tỏi. Bỏ uống rượu bia, hạn chế sử dụng thực phẩm chứa caffeine và nhiều đường; tập thể dục khoảng 30-45 phút mỗi ngày, ít nhất 5 lần mỗi tuần.
Trịnh Mai
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |