BS.CKI Đỗ Tiến Vũ, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, chia sẻ các bài tập có tác dụng hạ lượng đường trong máu mà người bệnh tiểu đường nên thực hiện thường xuyên để bảo vệ sức khỏe.
Đi bộ
Đi bộ là một trong những bài tập thể dục nhẹ, lành mạnh, nhất là phù hợp cho người mắc bệnh tiểu đường type 2. Đi bộ với tốc độ nhanh hơn 30 phút mỗi ngày giúp người bệnh đạt được mục tiêu khuyến nghị 150 phút tập thể dục cường độ vừa phải.
Chạy bộ
Chạy bộ có thể cải thiện độ nhạy của cơ thể với insulin, có lợi cho người bệnh tiểu đường type 2 chống lại tình trạng kháng insulin, tăng cường sức đề kháng, giảm cân. Khi chạy trong thời gian dài hơn 60 phút, tình trạng hạ đường huyết có nguy cơ xảy ra. Để phòng ngừa, người bệnh nên mang theo viên nén glucose hoặc đồ uống có đường. Thông báo cho người thân hoặc đem theo giấy tờ y tế có liên quan hoặc có bạn đồng hành chạy bộ sẽ tốt hơn.
Nếu người bệnh có mức đường huyết quá cao, tình trạng mất nước có thể xảy ra, nhất là khi thời tiết nóng. Do đó, lượng đường trong máu cần được kiểm tra ở mức ổn định khoảng 7-10 mmol/l trước khi bắt đầu chạy bộ.
Yoga
Người bệnh tiểu đường tập yoga có thể giảm căng thẳng, kiểm soát tình trạng bệnh. Nếu mức độ căng thẳng tăng cao, lượng đường trong máu sẽ tăng theo. Do đó, tập yoga giúp tinh thần thoải mái hơn, giảm các triệu chứng trầm cảm, tập càng nhiều lần càng tốt.
Bơi lội
Bơi lội là bài tập thể dục tốt cho người bệnh tiểu đường type 2, không gây áp lực lên các khớp trong cơ thể. Bơi lội giúp cơ thể giảm căng thẳng hơn so với đi bộ hoặc chạy bộ. Theo Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ, bệnh tiểu đường type 2 dẫn đến các biến chứng ở chân, bệnh thần kinh. Người bệnh thần kinh do tiểu đường có thể mất cảm giác ở bàn chân, có thể mua giày chống nước để bảo vệ chân trước khi bắt đầu bơi.
Đạp xe
Đạp xe đốt cháy lượng calo dư thừa, cho tim khỏe, phổi hoạt động tốt hơn. Đạp xe vài lần mỗi tuần giảm nguy cơ béo phì, huyết áp cao.
Tập dưỡng sinh
Tập dưỡng sinh với nhiều động tác được thực hiện một cách chậm rãi, thoải mái từ 30 phút trở lên. Đây là hình thức luyện tập lý tưởng cho người bệnh tiểu đường có khả năng gắng sức hạn chế. Các động tác nhẹ nhàng nhưng giúp giảm nguy cơ té ngã, giảm căng thẳng, cải thiện sự cân bằng, giảm tổn thương thần kinh do biến chứng tiểu đường.
Người bệnh cần lựa chọn các bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe, tránh tập quá sức. Duy trì tập luyện thường xuyên giúp kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn, giảm nguy cơ hạ đường huyết đột ngột.
Tập gym cường độ thấp
Người bệnh tiểu đường có thể duy trì lối sống lành mạnh, năng động bằng cách tập gym với cường độ thấp, vừa sức tại phòng tập thể dục với nhiều loại thiết bị thể thao hiện đại.
Khi tập thể dục, người bệnh cần quan tâm đến vấn đề về biến động lượng đường trong máu. Hạ đường huyết có thể xảy ra trong khi tập thể dục hoặc sau khi tập hoặc sau đó vài giờ. Một số trường hợp sau một thời gian ngắn hoạt động gắng sức cũng khiến lượng đường trong máu tăng cao (tăng đường huyết). Tuy nhiên, thời gian luyện tập càng lâu thì lượng đường trong máu có nhiều khả năng giảm hơn. Người bệnh đang dùng thuốc hạ đường huyết (thuốc uống hoặc insulin) nên kiểm tra lượng đường trong máu trước, trong và sau khi tập thể dục để biết tình trạng sức khỏe.
Để đạt được hiệu quả tối ưu, trước khi tập thể dục, người bệnh nên tính toán thời gian tập phù hợp để cơ thể đủ năng lượng tập luyện (có thể ăn nhẹ 1-2 giờ trước khi tập luyện, trong 2 giờ sau khi tập để bổ sung năng lượng). Tuy nhiên, nếu đang giảm cân phải cẩn thận hơn để đảm bảo không ăn quá nhiều.
Người bệnh nên duy trì luyện tập thể dục thường xuyên dù ở phòng tập thể dục hay ở nhà để tăng cường sức đề kháng, kiểm soát lượng đường trong máu, cải thiện chất lượng cuộc sống. Tập thể dục kết hợp chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh làm giảm nguy cơ gây biến chứng bệnh tim mạch.
Mai Hoa