Các nhà nghiên cứu tại Harvard (Mỹ) đã theo dõi hơn 100.000 người trong khoảng 20 năm (1986 - 2006), chế độ ăn uống được đánh giá 4 năm một lần bằng cách sử dụng bảng câu hỏi về tần suất thực phẩm. Kết quả công bố cho thấy, những người tăng lượng cà phê hơn một tách mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp hai thấp hơn 11%. Trong khi đó, những người giảm lượng cà phê uống một tách mỗi ngày sẽ tăng 17% nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường.
Theo nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia Mỹ năm 2018, uống cà phê có chứa caffein trong thời gian dài có tác dụng liên quan đến việc giảm nguy cơ tiền tiểu đường và tiểu đường.
Theo tờ Healthline, uống cà phê còn có những lợi ích sức khỏe khác không liên quan đến việc ngăn ngừa bệnh tiểu đường như khả năng bảo vệ chống lại bệnh parkinson, gan (ung thư gan), gout, alzheimer và sỏi mật. Ngoài ra, cà phê có thể làm giảm nguy cơ trầm cảm, tăng khả năng tập trung và suy nghĩ rõ ràng.
Mặc dù cà phê có tác dụng tích cực ở dạng nguyên chất nhưng lợi ích không giống nhau đối với cà phê có thêm chất làm ngọt hoặc các sản phẩm từ sữa. Cà phê có thêm đường, kem thường chứa nhiều carbs và giàu calo không tốt cho sức khỏe. Chất làm ngọt được thêm vào cà phê sẽ làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp hai và béo phì. Uống cà phê có nhiều chất béo bão hòa hoặc đường thường xuyên có thể làm tăng thêm tình trạng kháng insulin, góp phần gây ra bệnh tiểu đường tuýp hai.
Đối với người khỏe mạnh, caffeine trong cà phê cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như: đau đầu, bồn chồn, lo lắng. Ngay cả khi tiêu thụ vừa phải, vẫn có những rủi ro cần lưu ý, ví dụ tăng cholesterol với cà phê không lọc hoặc cà phê loại espresso, tăng nguy cơ ợ chua, mức đường huyết tăng cao sau bữa ăn.
Người lớn nên tiêu thụ ít hơn 100 mg caffeine mỗi ngày, gồm tất cả đồ uống có chứa caffein, không chỉ cà phê. Trẻ nhỏ nên tránh đồ uống có chứa caffein.
Mai Cát
(Theo Healthline)