Chị Quyên phát hiện u vào đầu năm 2021, lúc khám sức khỏe định kỳ. Khi ấy chị nặng 120 kg, kích thước u nhỏ, chỉ 2x2,5 cm, bác sĩ khuyên theo dõi.
Từ ngày phát hiện u, cảm giác thèm ăn tăng. Đầu tháng 10 năm nay, chị nặng 155 kg, cao 1,67 m, chỉ số BMI 55,5 (bình thường là 18,5-22,9). Bác sĩ kết luận béo phì độ 4 (độ nặng nhất), khối u tăng kích thước, đường kính 12 cm, to bằng quả bóng nhựa, chỉ định mổ nhưng chị chưa đồng ý.
Giữa tháng 11, chị đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám. ThS.BS Nguyễn Thị Quý Khoa, Phó khoa Sản, Trung tâm Sản Phụ khoa, đánh giá khối u của chị quá to, xoắn, mổ mở hay nội soi đều khó thành công. Tuy nhiên, nếu không phẫu thuật, u có thể hoại tử và vỡ do không được máu tới nuôi dưỡng.
Ngày 22/11, BS.CKII Huỳnh Vĩnh Phúc, Phó khoa Gây mê - Hồi sức, cho biết người bệnh béo phì, khi mổ cần lượng thuốc gây mê cao hơn người bình thường. Bệnh nhân béo phì nặng, cổ bị ngắn, lưỡi to nên cũng khó đặt nội khí quản.
Người bệnh có trọng lượng gấp 2-3 lần người bình thường nhưng thể tích phổi không tăng thêm. Để mổ nội soi, bác sĩ phải bơm khí CO2 vào bụng người bệnh giúp tăng không gian phẫu thuật nhưng làm chèn ép phổi, có thể suy hô hấp. Lớp mỡ dày ở xung quanh rốn bệnh nhân khiến quá trình đưa trocar (ống thông) vào ổ bụng cũng là thách thức.
Để thực hiện ca mổ, ê kíp phải chuẩn bị máy gây mê tự động, dụng cụ phẫu thuật nội soi hiện đại, máy cắt đốt kết nối với dụng cụ phẫu thuật để cầm máu... Bàn mổ chịu tải trọng hơn 400 kg.
Sau khi hội chẩn liên chuyên khoa, bác sĩ Quý Khoa phẫu thuật nội soi cắt u buồng trứng phải cho bệnh nhân. Do mất ăn, mất ngủ vì lo lắng bệnh, lúc phẫu thuật, chị Quyên còn 146 kg, huyết áp ổn định.
Khi nội soi kiểm tra bụng, các bác sĩ phát hiện buồng trứng phải có u nang to kích thước 15x15x15 cm, xoắn nhiều vòng, dính chặt quai đại tràng. "Công việc gỡ dính các mạc nối, quai ruột rất khó vì phẫu trường chật hẹp. Nếu không cẩn trọng rất dễ vỡ u, thủng ruột và tạng", bác sĩ Quý Khoa nói.
Tại phòng mổ, bác sĩ gây mê túc trực, sẵn sàng xử lý nếu có tình huống bất lợi xảy ra. May mắn các chỉ số sinh tồn của người bệnh ổn định suốt cuộc mổ.
Hơn một giờ đầu ca mổ, các bác sĩ gỡ dính buồng trứng trái, giúp bệnh nhân bảo tồn khả năng sinh sản. Phần phụ bên phải có u bị xoắn vặn nhiều vòng, không thể bảo tồn, buộc phải cắt bỏ toàn bộ buồng trứng phải.
Sau hơn hai giờ, ca phẫu thuật thành công. Bác sĩ xẻ u kiểm tra dịch nâu, bên trong u không chứa chồi hay khối sùi. Kết quả giải phẫu u lành tính. Khoảng 6 giờ sau, chị Quyên có thể tập đi, một ngày sau, tự đi lại.
Theo bác sĩ Quý Khoa, béo phì có liên quan đến tăng nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật, nhất là biến chứng vết thương và nhiễm trùng hậu phẫu ung thư buồng trứng nguyên phát.
Ghi nhận tại bệnh viện Tâm Anh, có nhiều phụ nữ có u buồng trứng lớn, bụng to song vẫn nghĩ là béo bụng như chị Quyên. Khoảng 50% phụ nữ có u nang buồng trứng được phẫu thuật tại bệnh viện có tình trạng tăng cân.
U nang buồng trứng thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Người bệnh có dấu hiệu cảnh báo như đau, căng bụng dưới, tiểu nhiều, đau khi giao hợp, rối loạn kinh nguyệt, tăng cân. Bệnh sinh ra tình trạng kháng insulin, glucose tích tụ lại và khiến phụ nữ tăng cân. Ngoài ra, kháng insulin cũng khiến cho nội tiết tố nam androgen dần tăng lên.
Bác sĩ khuyến cáo nữ giới có u nang buồng trứng cần theo dõi theo chỉ định của bác sĩ để kiểm tra kích thước. Khi u to, hơn 5 cm kèm tăng cân, người bệnh cần đến bệnh viện điều trị.
Tuệ Diễm
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |