Đọc bài viết "Thủ khoa khối B dậy học bài từ 4h sáng", tôi thấy "tội" cho đa số học sinh ở Mỹ. Tại đây, bắt đầu 6 tuổi, các em đã tập tự đến trường, làm bài tập ở nhà, phụ công việc nhà, rồi đến thi cử, vào đại học, ra trường tìm việc làm. Tất cả chúng đều tự tìm hiểu và thực hành, cha mẹ hiếm khi bị làm phiền (và chúng cũng không thích bị làm phiền) ngoài trừ cho trẻ ý kiến nên chọn Đại học nào nếu chúng được vài trường chọn cùng lúc.
Và rồi tất cả những đứa trẻ đó đều lần lượt tốt nghiệp (không một ai học thêm về bất kỳ môn học nào) và ra trường cũng đều tìm được công việc tốt... Tôi nghĩ, có lẽ vì cha mẹ ở Mỹ không đặt áp lực quá nhiều cho con cái chăng?
Vấn đề tôi đặt ra là áp lực của cha mẹ đặt cho con cái chứ không phải về vật chất, tiền bạc hay phúc lợi xã hội. Trẻ con ở Mỹ được dạy cho tính tự lập từ trường mầm non, kỹ năng sống, tinh thần tình nguyện, rèn luyện thể chất...
Con cái là niềm vui nhưng cha mẹ Mỹ không đặt áp lực lên chúng phải đạt điểm này hay bằng cấp nọ, vì đó là cuộc đời của chúng, cha mẹ không bắt buộc hoặc mong đợi chúng phải nuôi mình khi về già... Chỉ khi nào cha mẹ Việt ngưng coi con cái như một chiếc cúp cần để khoe hay trưng bày thì may ra áp lực này mới giảm và các con mới được tận hưởng cuộc sống của tuổi học trò.
Xã hội Việt Nam chúng ta hay dựa vào bằng cấp để đánh giá một người nào đó. Tôi gặp và nói chuyện với rất nhiều du học sinh Việt đi làm part-time ở các nhà hàng Việt tại Mỹ. Đa số chúng đều xuất thân từ gia đình giàu có ở Việt Nam. Chúng bảo tôi ở trong nước, cha mẹ không bao giờ để chúng phải động tay vào bất cứ chuyện gì, tất cả đều có giúp việc lo. Đến khi qua đây, chúng phải tự lo cho bản thân nhưng điều đó lại mang đến cho các em niềm vui dù phải bưng từng tô phở hay dọn dẹp, lau chùi... Chúng bảo kỹ năng sống là điều mà hầu hết học sinh ở Việt Nam đều thiếu, đó là lý do tại sao chúng thích đi làm thêm.
Tôi nghĩ cũng đúng phần nào. Về Việt Nam thăm gia đình, tôi thấy có nhiều người đã hơn 30 tuổi nhưng vẫn chờ mẹ đi làm về nấu cơm cho ăn. Đó là điều hiếm thấy hoặc chưa bao giờ thấy ở nơi tôi đang sinh sống.
Trẻ con ngoài học tập, cũng cần vui chơi, giải trí, cần sự cân bằng. Thái quá cũng không nên nhưng thiếu quá cũng không được. Đứa cháu trai của tôi ở Việt Nam đã 16 tuổi nhưng người giúp việc vẫn phải xới cơm, tách cá cho ăn, soạn quần áo cho trước khi tắm... Cháu không biết phải làm gì nếu không có bố mẹ. Như vậy, khi ra đời chúng phải làm sao nếu không có người dẫn dắt, chỉ bảo? Lo lắm thay.
Tôi đã từng sinh ra và lớn lên ở Việt Nam. Ngoài bạn cùng lớp, tôi còn phải cạnh tranh với các anh trong việc học vì bố mẹ "khuyến khích" thế. Tôi biết cảm giác thế nào là sự thất vọng khi không đạt điểm tốt, nên khi có gia đình và con cái, tôi tự hứa sẽ không bao giờ làm điều tương tự với con. Thay vào đó, tôi muốn con tận hưởng tuổi thơ chứ không chỉ học, học và học. Chỉ khi nào tất cả các bậc cha mẹ nhận thức được điều đó, thì các cháu mới bớt đi áp lực học đường.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.