Từ năm 2020, khi Covid-19 khiến học sinh cả nước phải học trực tuyến, điểm thi tốt nghiệp THPT cao hơn, số lượng đại học sử dụng điểm học bạ để tuyển sinh ngày càng nhiều. Trước cái lợi mà một bảng điểm học bạ đẹp mang lại, các trường và cả học sinh đều tìm cách "làm đẹp". Nhiều giáo viên chấm điểm "theo kiểu tăng trọng", "vỗ béo" thành tích cho học sinh. Việc cho điểm học bạ THPT "dễ dãi" còn góp phần khiến điểm chuẩn đại học xét bằng điểm học bạ tăng đáng kể, ngay cả ở những trường không cộng điểm ưu tiên theo quy định riêng.
Đánh giá về hình thức dùng điểm học bạ để xét tuyển đại học, độc giả Nguyễn Chí Thành nêu quan điểm: "Xét tuyển theo học bạ đã bộc lộ mặt trái. Rất nhiều học sinh có điểm học bạ đẹp như tranh vẽ nhưng điểm thi thực tế chỉ đạt mức trung bình. Ví dụ, tại một Trường THPT, học sinh A được xét điểm học bạ với 28,5 điểm nhưng điểm thi của ba môn chỉ đạt 20 điểm. Theo tôi, từ năm 2023, chúng ta nên bỏ xét điểm học bạ, để các học sinh thực sự thi với điểm thực sự mới công bằng".
Đồng quan điểm, bạn đọc Phạm Minh cho rằng: "Chỉ có ngăn xét tuyển bằng học bạ mới chấm dứt được tình trạng này. Giáo viên cho điểm cao cho học sinh nhiều khi còn phải theo guồng máy, khi tất cả mọi người đều cho cao, chẳng lẽ mình bạn đi ngược? Hệ lụy về xã hội từ đạo đức tới chất lượng giáo dục đều ảnh hưởng khôn lường. Thêm một năm, điểm học bạ lại cao hơn một chút, cứ đà này nó sẽ càng tiệm cận đến 10".
"Khi mà kỳ thi THPT quốc gia không còn là tiêu chuẩn đánh giá chính xác năng lực sinh viên thì các trường phải tự tìm các cách khác nhau để tuyển sinh, trong đó có 'xét học bạ'. Điều này cho thất sự thất bại trong việc gộp hai kỳ thi làm một. Nếu như xét học bạ vào đại học vẫn còn tiếp diễn, chỉ 2-3 năm nữa thôi, chúng ta sẽ thấy hậu quả 'lạm phát điểm học bạ', rồi các trường sẽ phải lấy điểm học bạ tới gần 30 điểm, nghĩa là các học sinh đó đi học luôn đạt điểm tuyệt đối", độc giả Lê Thanh cảnh báo.
>> 'Nhìn bảng điểm, học sinh Việt toàn nhân tài'
Những học sinh có học lực giỏi ở bậc THPT sẽ có nhiều khả năng thành công tại đại học. Tuy nhiên, nếu học sinh được chấm cao hơn thực lực, hệ quả nguy hiểm sẽ được tạo ra. Điều này không chỉ gây bất bình đẳng trong giáo dục mà còn làm hỏng chính sách đào tạo nhân lực chất lượng cao của Đảng và Chính phủ.
Bạn đọc Khanh Nguyen nhận định: "Xét tuyển bằng học bạ là bước đi lùi của ngành giáo dục. Để có học bạ đẹp, phụ huynh chiều lòng giáo viên và ngược lại. Từ đây nảy sinh trường hợp nhiều học sinh kiến thức hạn chế nhưng lại được điểm cao, trong khi các bạn có kiến thức thực tế bị thiệt thòi, rất nhiều bất cập. Khi các cháu lớn lên bước vào đời, quen thói, và nếp sống như cha mẹ và các thầy cô giáo đang sống. Cứ như vậy thử hỏi tương lai sẽ đi về đâu khi những mầm non đã bị bẻ cong ngay từ khi đâm chồi như hiện nay?".
"Tôi gọi vui là 'điểm thầy cho' và 'điểm trò thi'. Đương nhiên, cho và thi là hai chuyện khác nhau, thầy và trò cũng là hai đối tượng khác nhau. Trong câu chuyện này, rõ ràng một bên cần thành tích nên mới 'cho', còn bên kia nhận thực sự đáng thương, bị ảo tưởng là mình học tốt nên khi 'thi' mới ngã ngửa, nhưng nguy hiểm hơn là làm cho gia đình và xã hội bị ngộ nhận rằng con cháu đang học giỏi. Đã có chuyện ở lớp cô giáo chọn mấy bạn có điểm 8-9 đi thi hùng biện tiếng Anh nhưng sát ngày thi các bạn đó nói 'em không tự tin và đề nghị cô cho bạn khác có thực lực đi thi thay'. Ai ngờ đó lại là bạn đứng gần cuối lớp với điểm chỉ đâu 7 phẩy. Do đó, theo tôi chỉ nên xét học bạ khi điểm thi và điểm học bạ chênh không quá 0,5 điểm", độc giả Pham Son nói thêm.
Trong khi đó, với quan điểm trái chiều, bạn đọc Harry.vinh lại có cái nhìn khác về câu chuyện xét tuyển học bạ: "Có thật sự công bằng khi cả 12 năm đèn sách chỉ dồn vào kết quả của một bài thi cuối cùng là kỳ thi tốt nghiệp? Ví dụ, học sinh xét môn Văn nhưng trước khi thi bị bong gân hay gãy tay thì bạn ấy có viết được 100% trong lúc thi để đạt điểm mong muốn hay có thành tích cao như quá trình học không? Học sinh có hoàn cảnh khó khăn đi làm việc về khuya, mệt vào phòng thi không có năng lượng làm bài rồi để điểm xấu, vậy có thật sự công bằng?
Có rất nhiều tình huống hy hữu có thể xảy ra trong phòng thi và khiến học sinh phải hối tiếc cả đời. Thế nên, xét học bạ cũng là hình thức để giảm rủi ro những tình huống hy hữu đó. Để đánh giá học sinh, chúng ta cần cả quá trình 12 năm học tập chứ không phải kết quả của một kỳ thi may rủi thôi. Thật ra không nên bỏ hẳn việc xét tuyển học bạ mà chỉ cần nghiêm khắc hơn về quy định xét học bạ, hạn chế tình trạng cho điểm không thực chất".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.