Xung quanh câu chuyện dạy và học thêm tràn lan ở Việt Nam, có nhiều người nói hầu hết phụ huynh đều không muốn cho con em học thêm, mà bị bắt buộc phải làm việc đó. Tôi không đồng tình với quan điểm này.
Theo tôi, muốn hạn chế bớt tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan như ngày nay, việc đầu tiên chúng ta cần làm là giảm tải chương trình học.
Khối lượng chương trình giáo dục hiện nay quá nhiều. Tất nhiên, có em học tốt, nhưng có em lại chậm, mức độ tiếp thu kiến thức của mỗi em sẽ khác nhau dù học cùng một thầy, cô giáo. Dù thầy có giỏi đến đâu thì cũng khó có thể dạy cho tất cả học sinh trên lớp hiểu hết được bài. Nếu giáo viên cứ chạy theo đúng như giáo án và phân phối chương trình thì một học kỳ cũng chỉ có vài tiết để làm và chữa bài tập. Như vậy thì liệu có đủ để đi thi hay không?
Nếu chỉ học trên lớp, các em sẽ không thể có thời gian ôn luyện, làm bài tập nâng cao. Khi đó, em học chậm, học yếu, sẽ có nhu cầu đi học thêm. Giáo viên dạy thêm cũng sẽ giúp các em hiểu bài hơn, bổ sung kiến thức để theo kịp các bạn trên lớp, thì rõ ràng là một điều cần thiết, chính đáng.
Vì thế, nếu muốn hạn chế, tiến tới cấm dạy thêm, cần giảm tải chương trình học hoặc tăng thời lượng các tiết học. Khi đó, giáo viên sẽ có thêm thời gian kèm cặp, ôn luyện thêm học sinh ngay trên lớp, đảm bảo các em có khả năng thi cử.
>> Việt Nam nên cấm triệt để dạy thêm'
Ngoài ra, tôi nhận thấy khối lượng chương trình đào tạo của chúng ta và nội dung đề thi chưa tương xứng với nhau. Kiến thức trong sách giáo khoa hiện nay không hề nhẹ chút nào với học sinh, nếu không muốn nói là còn nhiều và nặng hơn trước. Nhưng để giải các bài tập, bài kiểm tra, bài thi, thì những kiến thức trong sách giáo khoa vẫn là không đủ. Những ai từng trải qua các kỳ thi hẳn sẽ thấy, đề bài và sách khác xa nhau thế nào?
Nếu ta nhìn vào đề thi đại học hằng năm, sẽ thấy kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa chỉ chiếm khoảng 50%, còn lại là kiến thức mở rộng, nâng cao, ứng dụng bên ngoài khuôn khổ trang sách. Trong khi đó, thời lượng dạy học trên lớp vốn đã ít ỏi, giáo viên đảm bảo dạy hết sách đã là cả một nỗ lực. Thế nên, nếu học sinh không đi học thêm, sẽ khó mà thi được điểm cao.
Chúng ta hay vinh danh, ca ngợi các thí sinh đạt thủ khoa đại học, nêu cao tấm gương tự học thành tài của các em. Thậm chí, có em còn chỉ học trong sách giáo khoa, thời gian rảnh phụ việc cho gia đình, chẳng có thời gian để đi học thêm... nhưng vẫn đỗ điểm tuyệt đối. Tôi nghĩ đó chỉ là những hợp đặc biệt. Theo quan sát của tôi, những em học sinh mà tôi biết, nếu không học thêm, không ôn luyện, không học xuyên cả thứ bảy, chủ nhật, chỉ học sách giáo khoa và học ôn trên lớp, thì cùng lắm cũng chỉ được 7-8 điểm là cao.
Học để thi vẫn là nhu cầu chính của cả phụ huynh và học sinh hiện nay. Nếu như học trên lớp, học theo sách giáo khoa vẫn không khiến phụ huynh và học sinh an tâm đi thi thì rõ ràng, họ sẽ tìm đến kênh học thêm. Để hạn chế dạy thêm, hãy để cho giáo viên có thời gian dạy cho học sinh những kiến thức mở rộng, nâng cao ngay trên lớp học. Mà nếu muốn vậy, cần giảm tải chương trình sách giáo khoa hiện nay để từ đó, giáo viên có thêm thời gian nâng cao học sinh.
Thanh Y
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.