Từ đầu giai đoạn giãn cách tới nay, Trung tâm Nội soi - Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, tiếp nhận cấp cứu nhiều trường hợp ngoại khoa nguy hiểm. Vì chủ quan, e ngại dịch bệnh, người bệnh không đi khám mà tự điều trị tại nhà. TS.BS Đỗ Minh Hùng cảnh báo, điều này nguy hiểm vì một số bệnh lý về tiêu hóa cần phẫu thuật càng sớm càng tốt, nếu để chậm trễ có thể gây ra nhiều biến chứng đe dọa đến tính mạng.
Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tiếp nhận một bệnh nhân nữ 39 tuổi, thỉnh thoảng bị rối loạn đi tiêu nhưng cho rằng bệnh nhẹ đã không đi khám. Tiếp đó, người bệnh thấy có thêm các cơn đau bụng, thỉnh thoảng gò cơn rồi hết. Tuy nhiên, tần suất các cơn đau lặp lại thường xuyên hơn, đau tăng dần, bụng chướng. Đến khi không thể trung tiện, không đi tiêu được, chị mới đến bệnh viện thăm khám. Tại đây, kết quả chụp CT cho thấy người bệnh tắc ruột do u đại tràng chèn ép. Bác sĩ cũng thực hiện nội soi, sinh thiết cho chẩn đoán ung thư.
Tình hình của chị nghiêm trọng, tình trạng tắc ruột không cải thiện sau điều trị bằng thuốc nên không thể phẫu thuật nội soi. Ekip phẫu thuật do TS.BS Đỗ Minh Hùng phụ trách tiến hành mổ mở để cắt đại tràng trái, nạo hạch và chuyển sang chuyên khoa Ung bướu để phối hợp hóa trị.
Một trường hợp khác là nam bệnh nhân, bị đau âm ỉ quanh rốn 2 ngày nhưng không đi khám mà tự mua men tiêu hóa để uống. Sau đó bệnh nhân xuất hiện thêm sốt, đau sang hố chậu phải và mức độ đau ngày càng tăng, sốt cao hơn, buồn nôn, đau khắp bụng. Lúc này anh mới đến Trung tâm Nội soi - Phẫu thuật nội soi tiêu hóa để khám thì phát hiện bị viêm phúc mạc toàn thể do viêm ruột thừa vỡ.
Thời gian vừa qua trung tâm cũng tiếp nhận, phẫu thuật cấp cứu nhiều trường hợp viêm phúc mạc mật, viêm phúc mạc ruột thừa đến bệnh viện muộn vì e ngại bị lây nhiễm Covid-19. Hầu hết các trường hợp khi đến bệnh viện đều ở trong tình trạng đau bụng nghiêm trọng, để chậm trễ thêm một ngày thì nguy cơ nhiễm trùng rất cao.
Triệu chứng cần phải đi khám ngay
Theo bác sĩ Minh Hùng, đau bụng là biểu hiện đầu tiên xuất hiện, rất thường gặp ở một số bệnh cấp cứu ngoại khoa như viêm phúc mạc mật, viêm phúc mạc ruột thừa, thủng tạng rỗng, tắc ruột. Người bệnh cần được đưa đi cấp cứu ngay nếu xuất hiện: đau bụng dữ dội, bụng cứng, thường đau chủ yếu hố chậu phải, hoặc đau vùng thượng vị, vùng quanh rốn hoặc lan ra toàn bộ vùng bụng, đau âm ỉ đôi khi đau quặn từng cơn; có kèm theo các triệu chứng: buồn nôn và nôn; sốt cao; mệt mỏi, toát mồ hôi, chân tay lạnh; rối loạn đi tiêu, không thể xì hơi, không đi cầu được, bụng chướng.
Lý giải cho việc phải đi cấp cứu ngay, bác sĩ Hùng cho biết các bệnh lý như viêm phúc mạc ruột thừa hoặc viêm phúc mạc mật chỉ cần phẫu thuật sớm là có thể điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, các trường hợp đến bệnh viện muộn, không được can thiệp kịp lúc sẽ có nguy cơ cao gặp biến chứng như sốc nhiễm trùng, sốc nhiễm khuẩn, viêm màng bụng hoặc thậm chí là tử vong.
Ngoài đau bụng thì rối loạn đi tiêu cũng là một triệu chứng mà nhiều người bệnh thường chủ quan coi nhẹ. Thực tế, rối loạn đi tiêu kéo dài có khả năng cao là dấu hiệu của ung thư đường tiêu hóa thường là ở giai đoạn tiến triển, vì các ung thư đường tiêu hóa giai đoạn đầu hầu hết không có triệu chứng đặc biệt. Do đó, nếu cơ thể xuất hiện các rối loạn đi tiêu như đi ra máu, thay đổi giờ giấc, thay đổi số lần đi tiêu..., hãy liên hệ ngay với bác sĩ để nhận tư vấn kịp thời.
Theo bác sĩ Hùng, hạn chế đi lại trong giai đoạn dịch bệnh là điều cần thiết, tuy nhiên chúng ta cũng cần biết được những trường hợp nào cần bác sĩ khám càng sớm càng tốt để hạn chế các biến chứng có hại cho sức khỏe. Hiện tại, bệnh viện thực hiện phương pháp xét nghiệm sàng lọc cho tất cả các người bệnh trước khi vào khám. Nhân viên y tế hầu hết đều được chích ngừa Covid-19 đủ hai mũi để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Do đó người dân không nên quá lo lắng khi đến khám bệnh, chỉ cần thực hiện nghiêm túc quy định giãn cách, mang khẩu trang đúng cách.
Lê Nguyễn
(Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)