Bà Hoàn bị bướu giáp lành tính 5 năm nay. Lần này, bà khám tại bệnh viện địa phương, được chẩn đoán bướu lớn trong lồng ngực (trung thất), đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM kiểm tra lại.
Ngày 11/12, ThS.BS Phan Vũ Hồng Hải, khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu, cho biết bướu di động theo nhịp nuốt khi sờ nhưng không nhìn thấy ở tư thế cổ bình thường. Kết quả chụp CT ghi nhận tuyến giáp hai bên phình to, kích thước 45x46x109 mm (thùy phải), 32x38x88 mm (thùy trái), bề dày eo giáp 20 mm. Hai bướu giáp không phình ra ngoài cổ mà thòng xuống lồng ngực, chèn ép khí quản từ hai phía, lòng khí quản còn 5,5 mm, trong khi đường kính bình thường 12,5-13,5 mm. Bác sĩ sinh thiết bằng kim nhỏ (Fine Needle Aspiration - FNA) khẳng định bướu giáp lành tính.
Trung thất (lồng ngực) là khu vực được bao quanh bởi xương ức ở phía trước, cột sống ở phía sau, phổi ở hai bên. Trung thất chứa tim, động mạch chủ, các hạch bạch huyết, tuyến ức, thực quản, khí quản, dây thần kinh. Bướu giáp lớn có nguy cơ thòng vào trung thất, chèn ép các cấu trúc lân cận như trường hợp bà Hoàn, dễ lầm tưởng là u trung thất. Tiên lượng và phương pháp điều trị của hai nhóm u này khác nhau.
BS.CKI Trần Quốc Hoài, khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, đánh giá lòng khí quản bị thu hẹp hơn một nửa, ảnh hưởng đến chức năng sống của người bệnh. Người bệnh cần được phẫu thuật cắt toàn bộ bướu giáp sớm để ngăn ngừa biến chứng. Phẫu thuật cắt tuyến giáp là lựa chọn tối ưu. Kỹ thuật này không phức tạp nhưng khó khăn trong những trường hợp tuyến giáp quá to, thòng xuống trung thất, chèn ép khí quản.
Đường mổ tuyến giáp truyền thống là rạch da ngang cổ giúp loại bỏ hầu hết bướu giáp nhỏ đến trung bình. Với bướu giáp lớn thòng trung thất, đường mổ này bộc lộ nhiều hạn chế do khó kiểm soát cấu trúc trong lồng ngực. Các bác sĩ hội chẩn quyết định mở đường rạch cổ, dự phòng phương án cưa xương ức, mở ngực nếu không thể lấy bướu giáp từ đường cổ.
Sau hơn hai giờ, êkíp lấy toàn bộ bướu giáp từ đường cổ an toàn. Bà Hoàn hồi phục tốt, xuất viện sau ba ngày, cần tái khám định kỳ. Bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân cách chăm sóc vết mổ để tránh nhiễm trùng.
Bướu giáp có thể phát triển âm thầm trong nhiều năm không gây triệu chứng. Khi bướu phát triển lớn, bệnh nhân có thể mệt mỏi, khó thở, chóng mặt, vướng ở cổ, cổ phình to... Nếu bướu giáp chèn ép khí quản gây khó thở, khó nuốt, khàn giọng, chèn ép mạch máu dẫn đến phù, hạ huyết áp...
Bên cạnh phẫu thuật mổ mở, phẫu thuật nội soi cắt tuyến giáp hoặc đốt sóng cao tần - Radiofrequency Ablation (RFA) cũng được ưu tiên điều trị bướu giáp lành tính, kích thước nhỏ. Theo bác sĩ Hoài, đây là phương pháp ít xâm lấn, loại bỏ một phần hoặc hoàn toàn bướu giáp, ít để lại sẹo.
Để phòng tránh bệnh tuyến giáp, bác sĩ Hoài khuyến cáo mỗi người cần khám tầm soát định kỳ để được phát hiện bệnh và điều trị kịp thời, ăn uống lành mạnh, đủ iốt. Người có dấu hiệu mệt mỏi, khó thở, thay đổi giọng nói... cần đi khám.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi