Khi mới phát hiện 30 năm trước, bướu chỉ là nhân giáp nhỏ, bà Nga không có triệu chứng khó chịu. Năm 2014, bà tái khám thì nhân giáp đã phát triển lớn, nhìn rõ ở cổ nhưng chưa biểu hiện triệu chứng, bác sĩ khuyên phẫu thuật. Bà mắc nhiều bệnh nền như rung nhĩ, suy tim, đái tháo đường, tăng huyết áp nên lúc ấy ngại mổ. Hiện bướu to lên, ảnh hưởng đến sức khỏe, bà mới đến viện điều trị.
Ngày 25/6, ThS.BS Lê Thị Ngọc Hằng, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng Ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bà Nga có bướu giáp đa nhân, hai thùy, kích thước 106x51x39 mm (thùy phải) và 95x63x56 mm (thùy trái). Chúng chèn ép khí quản, thực quản, cần phẫu thuật cắt bướu để giảm áp lực cho đường hô hấp, ăn uống.
Bác sĩ Hằng đánh giá bệnh nhân bị cường giáp nhiều năm, bệnh ổn định nhưng tiềm ẩn nguy cơ chảy máu, nhiễm trùng, cơn bão giáp trạng (tăng đột ngột hormone tuyến giáp có khả năng đe dọa tính mạng), suy tim trong và sau mổ. Ê kíp kiểm soát chỉ số huyết áp, đường huyết, hormone tuyến giáp, nhịp tim, ngăn ngừa biến chứng.
Trong hai giờ mổ, bác sĩ loại bỏ toàn bộ bướu giáp, chừa lại một phần mô giáp lành để duy trì lượng hormone giáp cơ bản cho người bệnh. Kết quả giải phẫu xác định bướu lành tính, khả năng tái phát thấp. Bà Nga hết khó thở, ăn uống bình thường, không bị biến chứng khàn giọng, hạ canxi, xuất viện sau 5 ngày.
Bướu giáp (bướu cổ) hình thành có thể do kích thước tuyến giáp gia tăng hoặc sự phát triển tế bào bất thường tạo thành một hay nhiều nhân trong tuyến giáp. Nguyên nhân phổ biến là thiếu iốt. Bên cạnh đó, tiền sử gia đình, nữ giới, trên 40 tuổi, từng xạ trị vùng cổ hoặc ngực, béo phì, kháng insulin, hội chứng chuyển hóa... cũng góp phần tăng nguy cơ mắc bệnh. Bướu giáp thòng trung thất xảy ra khi tuyến giáp ở cổ phình lớn tạo thành khối choán chỗ ở cổ, kéo dài vào bên trong lồng ngực.
Theo BS.CKI Trần Quốc Hoài, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng Ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, lựa chọn phương pháp điều trị bướu giáp tùy thuộc vào nguyên nhân, các triệu chứng và biến chứng do bệnh gây ra. Bướu nhỏ không gây triệu chứng thường chỉ theo dõi và không cần điều trị đặc hiệu. Bướu giáp to gây biến dạng vùng cổ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, chèn ép vào đường thở đe dọa tính mạng, cần điều trị bằng phẫu thuật, đốt sóng cao tần hoặc iốt phóng xạ để loại bỏ.
Hầu hết trường hợp bướu giáp lành tính đều có thể phòng ngừa bằng chế độ ăn đầy đủ iốt như ăn cá biển, nước mắm, muối iốt. Hạn chế dùng rau bắp cải, cải thảo, cần tây vì những thực phẩm này ngăn cản quá trình hấp thụ iốt của tuyến giáp. Thực hiện lối sống lành mạnh như không thức khuya, hạn chế uống rượu bia, tránh hút thuốc lá, tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Khi vùng cổ xuất hiện u, hạch cứng, người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị bệnh.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |