Phẫu thuật mở là phương pháp phổ biến trong điều trị ung thư tuyến giáp. Bác sĩ dùng dao rạch một đường trước cổ, đi qua các cơ quan, tiếp cận với tuyến giáp và cắt bỏ cơ quan này. Hoàn tất quá trình phẫu thuật, bác sĩ khâu vết mổ thẩm mỹ. Sẹo mổ sau phẫu thuật tuyến giáp ở vị trí ngay trước cổ có thể khiến người bệnh mất tự tin, khó chọn trang phục.
BS.CKI Lê Thanh Tuấn, Đơn vị Đầu Mặt Cổ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết sau 1-2 tuần phẫu thuật, vết mổ liền da và lành dần. Lớp da non có màu hồng nhạt, nổi gồ ghề trên bề mặt da.
Vết thương có hình thành sẹo lồi hay không phụ thuộc nhiều vào cơ địa của mỗi người. Cách chăm sóc vết thương, chế độ ăn uống cũng góp phần giảm thâm và sẹo lồi cho người mới phẫu thuật.
Bác sĩ Tuấn cho biết vết mổ tuyến giáp thường nhanh lành nhưng có thể nhiễm trùng nếu vệ sinh không đúng cách. Ngay sau phẫu thuật, người bệnh có thể tắm rửa, vệ sinh nhưng hạn chế nước dính vào vết mổ, không ngâm vết thương trong nước (bơi lội, bồn tắm...) ít nhất hai tuần.
Khi vết mổ liền da, người bệnh rửa nhẹ bằng nước, xà phòng có độ PH thấp hơn 7, sau đó lau sạch bằng khăn khô. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, sau khi khâu vết thương, bác sĩ thường dán một lớp keo sinh học lên vết mổ hoặc dùng gạc thông thường. Keo sinh học giúp người bệnh tắm rửa dễ dàng mà vẫn giữ vết thương khô ráo. Người bệnh dùng gạc thông thường hàng ngày nên đến cơ sở y tế để thay băng không nên tự làm.
Nhiễm trùng vết mổ tuyến giáp ít khi xảy ra. Tuy nhiên, nếu xuất hiện dấu hiệu như vết thương đỏ, cảm giác ấm khi chạm vào, sưng, bung chỉ, rỉ dịch, có mủ... người bệnh nên đến bác sĩ khám, can thiệp kịp thời.
Trong 1-2 tuần sau phẫu thuật, vết thương liền sẹo, người bệnh thoa kem trị sẹo hoặc kem dưỡng ẩm lô hội, vitamin E để da mềm mại, giảm nguy cơ sẹo lồi. Dùng đầu ngón tay massage nhẹ nhàng sẹo theo chiều kim đồng hồ mỗi ngày. Thực hiện liên tục trong hai tháng để làm mềm các mô xơ, giúp sẹo không bị co rút, dính vào các mô dưới da gây dị dạng hay cảm giác khó chịu khi nuốt, cử động ở vùng cổ.
Bác sĩ Tuấn lưu ý vết thương lên da non nhạy cảm hơn với ánh sáng, dễ bị cháy sạm gây thâm đen. Người bệnh hạn chế để vùng da này tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Khi ra ngoài, người bệnh thoa kem chống nắng, quàng khăn, che chắn vết thương cẩn thận.
Sinh hoạt lành mạnh, bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng, gồm tinh bột, đạm, chất xơ, vitamin, khoáng chất. Tập thể dục 30 phút mỗi ngày, ngưng hút thuốc lá, uống rượu bia, hạn chế thức khuya giúp tăng cường sức khỏe, vết thương nhanh lành.
Bác sĩ Tuấn khuyến cáo người bệnh nên phẫu thuật tại bệnh viện có trang thiết bị hiện đại, bác sĩ nhiều kinh nghiệm để giảm nguy cơ hình thành sẹo xấu, sẹo lồi.
Nguyễn Trăm
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |