Khoảng 5 năm trở lai đây, bóng đá Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Các đội tuyển ở nhiều cấp độ đã gặt hái được khá nhiều thành tích đáng khích lệ. Niểm tin của người hâm mộ vào sự phát triển của bóng đá nước nhà cũng được củng cố. Có được điều đó, phải thừa nhận rằng một phần không nhỏ nhờ vào chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam một cách có bài bản, kiên trì của những nhà quản lý và các câu lạc bộ. Đặc biệt ghi dấu ấn mạnh mẽ nhất đó chính là đóng góp của chiến lược gia người Hàn Quốc Park Hang-seo.
Với những gì đã đạt được trong thời gian qua, rất nhiều người đã nghĩ rằng bóng đá Việt Nam đã ở trên đỉnh Đông Nam Á và nghĩ tới một sân chơi mới ở đẳng cấp cao hơn tầm khu vực, mà ta thường hay mỉa mai là "ao làng". Thậm chí, nhiều người (kể cả các nhà quản lý, chuyên gia và người hâm mộ) đã nghĩ đến mục tiêu đưa đội tuyển bóng đá nam góp mặt tại vòng chung kết World Cup.
Ước mơ và niềm tin ấy càng mãnh liệt hơn khi FIFA quyết định nâng số đội dự vòng chung kết WC 2026 lên con số 48, trong khi tại vòng loại World Cup 2022, đội tuyển Việt Nam đã lọt vào đến vòng loại thứ ba khu vực châu Á và thi đấu khá ấn tượng.
Việc ký hợp đồng với ông Philipe Troussier làm huấn luyện viên đội tuyển Việt Nam và đội U23 cũng là một phần của kế hoạch táo bạo này. Nhưng người xưa có câu "Có bột mới gột nên hồ", bóng đá cũng không phải là ngoại lệ. Muốn có mặt ở một sân chơi như World Cup, đội tuyển của chúng ta phải thật sự chơi ở một đẳng cấp rất cao. Mà muốn vậy thì nhất định chúng ta cũng phải có những cầu thủ (thành tố quan trọng nhất của một đội bóng) có đẳng cấp cao.
Tất nhiên, để đặt được đẳng cấp thế giới, bản thân một cầu thủ phải hội tụ được rất nhiều yếu tố: thể hình, thể lực, sức bền, tốc độ, kỹ thuật, tư duy chiến thuật... Những yếu tố đó nhất định phải bằng hoặc tiệm cận được với những nền bóng đá hàng đầu thì mới mong chơi ngang ngửa người ta được. Phải có trình độ ngang ngửa đối phương thì mới cầm được bóng, mới tranh chấp được bóng và đoạt lại được bóng, tổ chức tấn công, phản công, ghi bàn, giành chiến thắng...
>> Bóng đá Việt chỉ đứng đầu 'ao làng'
Nhưng nói thật, các cầu thủ của chúng ta hiện nay có trình độ so với các nền bóng đá top đầu châu Á vẫn còn một khoảng cách rất lớn, chứ chưa nói đến các đội tuyển hàng đầu thế giới. Mà cũng chưa cần phải so sánh ở đâu xa, chỉ so với các cầu thủ Thái Lan thôi thì chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy trình độ của mình vẫn đang còn một khoảng cách mà không phải một sớm một chiều có thể san lấp được (thể hiện rõ nhất là trong hai trận chung kết AFF Cup vừa rồi).
Nhìn rộng ra các đội tuyển hàng đầu ở châu Á vốn là "khách quen" ở sân chơi World Cup như Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran... có thể thấy thành phần đội tuyển của họ luôn có những cầu thủ thường xuyên thi đấu ở những giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu như Premier League, La Liga, Serie A, Bundesliga, Ligue 1... Những cầu thủ của họ đến đó để chơi bóng thật sự và thi đấu sòng phẳng, ngang ngửa với các cầu thủ đến từ những nền bóng đá hàng đầu thế giới.
Còn chúng ta, những năm vừa qua, một số cầu thủ được cho là tốt nhất của bóng đá Việt như Công Phượng, Văn Lâm, Xuân Trường, Văn Hậu, Quang Hải cũng được ra nước ngoài thử sức nhưng chủ yếu đến với những giải đấu có cấp độ thấp, những câu lạc bộ ít tên tuổi. Vậy nhưng, họ cũng chủ yếu đến đó để ngồi dự bị, thậm chí có những cầu thủ không có nằm trong kế hoạch thỉ đấu của câu lạc bộ.
Hiện nay, chúng ta cũng nhìn thấy ở những lứa U một số cầu thủ trẻ có triển vọng phát triển để đạt đến một trình độ cao hơn các lứa đàn anh, nhưng cũng chưa có gì rõ rệt, cũng như số lượng không nhiều. Thứ duy nhất người hâm mộ có thể hy vọng là dưới bàn tay của "phù thủy" Philipe Troussier, đội tuyển bóng đá nam sẽ tạo nên một kỳ tích như những đồng nghiệp nữ đã làm được. Nhưng rõ ràng, với chất lượng các cầu thủ như hiện tại thì chỉ có những phép màu mới giúp giấc mơ World Cup của người Việt thành hiện thực.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.