Tôi viết bài này ngay khi theo dõi trận thua đậm 0-4 của đội tuyển Việt Nam trước Australia. Đây không phải là lần đầu tiên đội tuyển bóng đá nam của chúng ta thất bại nặng nề trước các nền bóng đá lớn trong khu vực và trên thế giới. Nền bóng đá Việt Nam từ khi ra đời đến nay, chưa bao giờ vươn ra khỏi khu vực Đông Nam Á. Phải chăng chúng ta đã và đang đi sai hướng?
Thể lực của người Việt nói riêng và người Đông Nam Á nói chung, không thích hợp cho các môn thể thao hạng nặng, đòi hỏi sức mạnh, sức bền, sự dẻo dai. Thỉnh thoảng, chúng ta mới có một vài cá nhân xuất chúng, giành huy chương trong các kỳ SEA Games hay Olympic, nhưng đó cũng chỉ là những trường hợp cá biệt, chứ không phải mặt bằng chung.
Vậy tại sao chúng ta không đầu tư vào những môn thể thao thiên về trí tuệ, sự khéo léo, phù hợp với thể trạng của mình? Ví dụ như cờ vua, bida, bắn cung, bắn súng, võ thuật biểu diễn, golf... Bất cứ trường học nào cũng có thể thành lập các câu lạc bộ cờ (cờ vua, cờ tướng, cờ vây...), trong khi chi phí tổ chức lại vô cùng rẻ. Tương tự, bida cũng là một môn thể thao không đòi hỏi quá nhiều chi phí khi triển khai. Tôi nghĩ Việt Nam không thiếu những bộ óc như Lê Quang Liêm hay sự khéo léo và kỹ năng như Trần Quyết Chiến.
>> Bài học khiêm nhường sau thất bại của đội tuyển Việt Nam
Bất cứ doanh trại quân đội nào cũng có thể đào tạo vận động viên bắn súng, bắn cung, võ thuật biểu diễn, đây là thế mạnh của thể thao Việt Nam. Còn về golf, chúng ta có một lợi thế là đất nước kéo dài hình chữ S, đa dạng địa hình, khí hậu, vậy sao không đầu tư phát triển golf ở mỗi vùng miền với những đặc trưng khác nhau? Điều đó vừa tạo được nhiều mô hình sân golf khác nhau cho vận động viên, vừa kết hợp để làm du lịch.
Còn rất nhiều những môn thể thao khác phù hợp với thể trạng của người Việt. Không nhất thiết cứ phải đổ quá nhiều tiền của vào những môn mà chúng ta không bao giờ vươn tới được đỉnh cao, như bóng đá. Khi nhắc đến Brazil, người ta nghĩ ngay đến bóng đá; nhắc đến Mỹ, người ta nghĩ ngay đến bóng bầu dục, bóng rổ; nhắc đến Nhật Bản, Hàn Quốc, người ta nghĩ đến bóng chày, bắn cung, bắn súng; nhắc đến Canada, người ta nghĩ đến các môn thể thao mùa đông trên tuyết... Rất nhiều, rất nhiều các quốc gia và vùng lãnh thổ, vừa nhắc đến là người ta nghĩ ngay đến môn thể thao thế mạnh của nước đó.
Còn chúng ta có gì? Việt Nam từ trước tới giờ vẫn thường chú trọng đầu tư hết mức vào bóng đá nhưng vẫn chẳng gặt hái được nhiều thành công. Trong khi đó, các môn thể thao khác thiên về trí tuệ, sự khéo léo, vốn là thế mạnh, lại bị bỏ quên.
Theo tôi, chúng ta cần bắt đầu từ thể thao học đường, để vài chục năm sau, khi nhìn lại, chúng ta sẽ có một hoặc một vài môn thể thao thế mạnh, đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.