Bóng đá Việt Nam mãi không chịu lớn hoặc không muốn lớn. Nó xuất phát từ sự thiếu chuyên nghiệp. Liên đoàn bóng đá hoặc bất cứ Liên đoàn bộ môn thể thao nào khác chỉ là hội nghề nghiệp không hơn không kém.
Cơ quan nhà nước không phải là không có sự chuyên nghiệp. Thời Liên Xô cũ, chúng ta từng biết đến những CLB hùng mạnh của Đông Âu như Sao Đỏ Bengrad (Liên bang Nam Tư), Steuart Bucharest (Rumani), Dinamo Kiev (Ukraina), Spartak Moskva (Nga)... Để có những CLB hùng mạnh ấy, những người đứng đầu nền bóng đá của những quốc gia này phải là những chuyên gia bóng đá hàng đầu. Họ vạch ra kế hoạch tổ chức một hệ thống bóng đá chuyên nghiệp và bài bản. Mặc dù CLB là của nhà nước, tài sản vật chất bao gồm cả sân bóng cũng là của nhà nước, nhưng cơ chế vận hành lại chuyên nghiệp, tức là cầu thủ được trả lương bằng tiền vé, tiền quảng cáo và tiền tài trợ.
Xây dựng một nền bóng đá chuyên nghiệp có khó không? Câu trả lời là "không". Nền bóng đá chuyên nghiệp chẳng qua là luật lệ, quy tắc mang tính chuyên nghiệp. Thế tại sao hàng chục năm qua ta không làm được? Vì muốn chuyên nghiệp, phải vắt óc tìm mọi cách nâng tầm bóng đá trong khi thu nhập có thể giảm mạnh. Làm việc nhiều hơn, chi phí bỏ ra nhiều hơn, thu nhập ít đi, vậy ai chịu làm?
Chuyện dễ dàng làm nhất mà khỏi tốn công suy nghĩ là bỏ tiền ra cho các đội tuyển quốc gia đi tập huấn dài ngày ở nước ngoài. Thể thao Việt Nam xây nhà từ nóc là ở chỗ này. VĐV lẽ ra phải được đào tạo chuyên nghiệp từ nhỏ, từ cấp độ địa phương, qua nhiều tầng tuyển chọn với cơ sở vật chất tốt nhất, chế độ dinh dưỡng tốt nhất, HLV giỏi nhất. Thực tế, mãi đến khi lọt vào danh sách tuyển quốc gia, họ mới được hưởng mấy điều kiện này. Ở độ tuổi đó mới được đãi ngộ không phải là quá chậm sao?
Tình trạng này là do người Việt vẫn còn tư tưởng lạc hậu "tuyển chọn năng khiếu". Thực ra, thành công đến từ 1% năng khiếu và 99% khổ luyện. Những người có tài năng thiên bẩm như Messi chỉ đếm trên đầu ngón tay tại các nền bóng đá tiên tiến, tại một thời điểm nhất định. Còn lại, hầu như toàn bộ là do khổ luyện và say mê chứ không hẳn là có năng khiếu. Vì tư tưởng lạc hậu này, các nhà tuyển trạch thể thao Việt Nam liên tục hạ thấp tiêu chuẩn năng khiếu, khiến cho cái gọi là năng khiếu ở nước ta cũng chẳng có ý nghĩa gì. Sức bền, sức mạnh bị xem nhẹ, thay vào đó, chúng ta coi trọng kỹ thuật rê dắt, làm cho thời gian trận đấu vô cùng tẻ nhạt vì tốc độ quá chậm.
Song song với sự chuyên nghiệp là tác phong nghề nghiệp (tự giác tập luyện và hạn chế những việc có hại cho sức khỏe) và đạo đức nghề nghiệp (biết việc gì cần ưu tiên làm trước, việc gì không được phép làm). Người ta mỗi ngày chạy 10 km để giữ phong độ, ngày nào cũng vậy không cần ai đôn đốc. Thử hỏi bao nhiêu cầu thủ Việt có tính tự giác này?
Hai yếu tố trên, người ta tự giác làm vì cạnh tranh một chỗ đứng trong đội hình chính thức rất khốc liệt. Còn ta, vẫn là một đội hình, một chiến thuật vì ông bầu không muốn tuyển nhiều người để cạnh tranh mà chỉ tuyển vừa đủ để thành lập đội hình. Họ sợ tuyển dư người, không đá vẫn phải trả lương. Tầm nhìn hạn hẹp như vậy sao làm được bóng đá.
Các CLB Ngoại hạng của Anh có gần 70 cầu thủ, chia nhau đá năm giải, chưa kể cup châu Âu. Vậy mà họ còn than không có thời gian phục hồi sức khỏe (hai, ba trận/ tuần). Ta chỉ có hai giải (cup C1, C2 châu Á xem như "học hỏi"), mỗi tuần một trận, khán giả không cần đoán cũng biết đội hình ra sân như thế nào. Cầu thủ người ta chỉ có hai tháng nghỉ (một tháng nghỉ giữa mùa và một tháng nghỉ giữa hai mùa), còn ta nghỉ gần nửa năm. Đá bóng nhàn hạ như vậy, đi vào những giải quốc tế có mật độ thi đấu dày đặc, chúng ta đương nhiên sớm đuối sức, hụt hơi.
Cho đội tuyển đi tập huấn dài ngày ở nước ngoài chẳng khác gì nước đến chân mới nhảy. Rồi nhảy có kịp không? Khi đội tuyển thắng, chúng ta tung hô đến tận trời, khi thua lại đổ thừa điểm rơi phong độ. Phong độ là cái mà mọi cầu thủ dù có chuyên nghiệp hay không đều phải tự giác giữ vững. Một tháng từ Asean Cup qua Asian Cup mà không phục hồi kịp thể lực thì bao lâu mới đủ? Y học ngày nay phát triển, sau một trận đấu căng thẳng, tối đa ba ngày là cầu thủ có thể phục hồi được thể lực. Vậy một tháng ấy cầu thủ của ta làm những gì mà không kịp phục hồi? Quy tắc luật lệ lỏng lẻo như vậy thì bóng đá Việt Nam còn xa mới chuyên nghiệp được.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.