Xung quanh vụ việc Chủ tịch CLB Thanh Hóa Nguyễn Văn Đệ yêu cầu HLV Nguyễn Thành Công báo cáo trước đội hình thi đấu, phải sử dụng hết ngoại binh và xin ý kiến khi thay người khiến vị chiến lược gia này phải từ chức sau ba tháng ngồi "ghế nóng", nhiều độc giả VnExpress bày tỏ sự thất vọng với cách làm việc thiếu chuyên nghiệp của nhiều ông bầu bóng đá Việt:
Cái khó cho bóng đá Việt Nam phát triển là các ông bầu. Họ đã có tiền đầu tư vào đội bóng nên tự cho mình có tất cả các quyền. Họ chưa biết phân biệt thế nào là vị trí, chức năng, quyền hạn của một Chủ tịch CLB và nhiệm vụ của một huấn luyện viên.
Bóng đá Việt Nam còn những ông bầu tự quyết thì bao giờ V-League mới phát triển được? Cơ hội nào cho các huấn luyện viên có tâm với nghề, cơ hội nào cho các cầu thủ trẻ được ra sân? Năm nào cũng vậy, mới chỉ vài vòng đầu hứng khởi là sau đó xuất hiện cả một chuỗi lùm xùm nực cười. Nhìn sang Thai League mà buồn thay.
Thực sự, nếu các ông bầu can thiệp quá sâu thì không bao giờ bóng đá Việt phát triển được. Không có huấn luyện viên nào chịu nổi cách việc bị can thiệp vào chuyên môn của họ. Chủ tịch CLB mà thường xuyên cướp sa bàn, chỉ đích danh từng cầu thủ, yêu cầu huấn luyện viên trưởng phải dùng người này, thay người kia... thì sao đi lên được? Muốn cho bóng đá phát triển, hãy để huấn luyện viên toàn quyền quyết định về chuyên môn.
>> 'Bóng đá khó phát triển khi CLB phụ thuộc hoàn toàn vào ông bầu'
Ngành nghề nào cũng có trường hợp dở khóc, dở cười như vậy. Tôi không rành về chuyên môn bóng đá nhưng anh thuê người ta làm việc cho mình thì không thể can thiệp đủ thứ, vậy thuê họ làm gì? Có trường hợp chủ đầu tư ỷ mình làm chủ và giỏi về lĩnh vực nào đó, nên can thiệp luôn vào cả công việc của bên tư vấn. Anh giỏi, có tiền là việc của anh, nhưng khi đã chọn một người hay một đối tác nào đó tư vấn thì hãy để người ta làm tốt công việc chuyên môn của họ. Sau thời gian, cho ra thành quả hay hậu quả, hệ quả gì đó thì bạn mới có thể can thiệp.
Có lẽ bóng đá Việt Nam vẫn chỉ chuyên nghiệp ở cái tên. Còn kiểu ông bầu điều hành như vậy, làm sao bóng đá phát triển? May mắn là đội tuyển quốc gia đang có một lứa cầu thủ đủ tầm chơi bóng ở khu vực, chứ các CLB mà nghiệp dư như thế này thì lấy đâu nhân tố cho tuyển. Một, hai năm trở lại đây, chúng ta đá thắng Thái Lan, nhưng không có nghĩa nền bóng đá Việt Nam đã cao hơn họ, thậm chí còn ngược lại. Hãy nhìn vào chất lượng giải đấu Vô địch quốc giá là có thể thấy rõ ràng mức độ chuyên nghiệp của một nền bóng đá.
Đồng ý anh là ông chủ, đội bóng là của anh, tùy ý anh quản, điều đó không ai tranh cãi. Nhưng công việc huấn luyện là chuyên môn của huấn luyện viên, anh làm như thế này khác nào kiêm luôn HLV trưởng. Đã chơi bóng chuyên nghiệp thì bản thân các ông bầu cũng cần phải chuyên nghiệp cho xứng tầm.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.