ĐKVĐ J1 League Kawasaki Frontale sáng 11/1 thông báo chiêu mộ thành công thủ quân Thái Lan Chanathip Songkrasin từ Consadole Sapporo trước thềm mùa giải 2022. Theo trang web chuyên định giá cầu thủ transfermarkt (Đức), Chanathip hiện có giá 60,2 triệu Bath (1,8 triệu USD). Nhưng do còn hợp đồng với Consadole tới hết tháng 1/2025, phí chuyển nhượng của Chanathip có thể sẽ cao hơn nhiều và sẽ lập kỷ lục cầu thủ người Thái Lan đắt nhất lịch sử. Theo Siamsport, Frontale phải chi khoảng 130 triệu Baht (gần 4 triệu USD) để chiêu mộ thủ quân tuyển Thái Lan.
Ở tuổi 28, Chanathip vừa có lần thứ ba thắng giải 'Cầu thủ hay nhất AFF Cup' sau khi cùng Thái Lan giành chức vô địch giải đấu này (hai lần trước diễn ra năm 2014 và 2016). Sự thăng tiến vượt bậc của tiền vệ chỉ cao 1m58 này là điều không phải bàn cãi, đặc biệt là sau khi anh gia nhập Consadole Sapporo vào tháng 7/2017 theo diện cho mượn từ Muangthong United.
5 năm thi đấu tại giải đấu số một Nhật Bản đã mài dũa kỹ năng của Chanathip. Với 15 bàn qua 125 trận, và hưởng lương cao nhất CLB hai mùa gần nhất - 11,5 triệu Baht (gần 350.000 USD), cùng những đóng góp đáng kể trong thành công của đội tuyển quốc gia Thái Lan, rõ ràng cầu thủ này đã chứng minh cho định hướng phát triển bóng đá đúng đắn của người Thái.
Nhìn vào thành công của Chanathip nói riêng và bóng đá Thái Lan nói chung trong thời gian gần đây, tôi lại thấy buồn cho bóng đá Việt Nam. Chúng ta cũng từng có những tài năng nổi lên sau giải đấu U19 tại Thường Châu. Những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Hậu lần lượt xuất ngoại, thi đấu trong các môi trường bóng đá hàng đầu khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí cả trời Âu (Hà Lan).
Nhưng thay vì những dấu ấn chuyên môn, người ta thấy nhiều hơn ở những chuyến du học ấy là yếu tố thương mại. Để rồi, tất cả những viên ngọc sáng ấy của bóng đá nước nhà lại thất bại trở về sau nhiều năm phiêu bạt. Thậm chí, nhiều người trong số họ còn đánh mất phong độ, không thể tái hòa nhập tại V-League lẫn đội tuyển quốc gia.
>> 'Việt Nam chỉ thua Thái Lan về phong độ'
Có thể nói, chúng ta đã học theo người Thái, phát triển bóng đá theo con đường xuất khẩu cầu thủ, nhưng tại sao kết quả lại khác nhau đến vậy? Vấn đề có lẽ nằm ở việc thiếu tính hệ thống. Các ông bầu đã không chọn cho cầu thủ của mình một lộ trình phát triển từng bước từ thấp tới cao, từ đội bóng nhỏ đến đội bóng lớn, tìm những môi trường phù hợp nhất với tố chất của cầu thủ Việt. Thay vào đó, chúng ta vội vàng đẩy cầu thủ sang những đội bóng có thương hiệu, vượt quá sức của họ. Kết quả nhận về là những phút ít ỏi được ra sân và khoảng thời gian chủ yếu ngồi ghế dự bị vô tình thui chột tài năng và thời điểm vàng để phát triển.
Kể từ sau Văn Hậu, chúng ta đã không còn thêm một cầu thủ nào được ra nước ngoài thi đấu. Một phần vì những trường hợp thất bại trong quá khứ đã khiến các ông bầu chùn bước, phần khác vì bản thân các cầu thủ cũng sợ đi vào vết xe đổ của những người đi trước. Vậy là những con người tốt nhất của bóng đá Việt lại quay về với "ao làng" V-League, chấp nhận vùng vẫy trong "ao tù". Ở một môi trường bóng đá như thế, thật khó để các cầu thủ nâng cao được trình độ của mình.
Thất bại tại AFF Cup 2020 trước Thái Lan vừa qua một lần nữa khiến chúng ta phải thừa nhận rằng, bóng đá Việt vẫn xếp sau người Thái. Và vụ chuyển nhượng Chanathip như xoáy sâu hơn vào khoảng cách về trình độ giữa hai nền bóng đá.
Câu hỏi là hiện tại, chúng ta có cái tên nào đủ sức vươn ra khỏi biên giới hay không? Theo tôi là có, đó là Quang Hải và Hoàng Đức. Tài năng hai ngôi sao nơi hàng tiền vệ tuyển Việt Nam có lẽ không phải bàn cãi nữa. Quang Hải nổi lên cùng lứa với Công Phượng từ Thường Châu. Từ đó đến nay, cầu thủ này là cái tên không thể thiếu ở mọi cấp độ đội tuyển, là linh hồn của đội bóng.
Hoàng Đức thì tỏa sáng muộn hơn một chút, tài năng của cầu thủ này được thể hiện rõ nét trong nhiều giải đấu gần đây. Nhận xét một cách công tâm, cả Quang Hải và Hoàng Đức đều mang trong mình những triển vọng phát triển sáng giá, chẳng hề thua kém gì Chanathi. Thế nhưng, sau tất cả, họ vẫn chấp nhận thi đấu tại V-League thay vì tìm kiếm những môi trường cao hơn để phát triển tối đa bản thân.
>> 'Tuyển Việt Nam sẽ vượt mặt Thái Lan trong 5 năm tới'
Tất nhiên, vấn đề cũng không nằm ở khát khao vươn tầm của họ mà ở đây là câu chuyện của các CLB chủ quản. Đương nhiên, nhằm hướng tới những danh hiệu tại V-League, chẳng CLB nào muốn để cầu thủ của mình ra đi. Khi các ông bầu không đặt lợi ích của cầu thủ và đội tuyển quốc gia lên trên CLB của mình, đương nhiên sẽ chẳng có cơ hội nào cho những tài năng vươn mình ra biển lớn.
Nói tóm lại, câu chuyện ở đây vẫn là cách làm bóng đá chuyên nghiệp ở ta. Những người làm bóng đá nước nhà, mà cụ thể là Liên đoàn bóng đá Việt Nam VFF và các ông bầu dường như vẫn đang chưa nhìn cùng một hướng. Chính sự phát triển thiếu thống nhất, không chung tay vì đại cục vô tình kìm chân sự phát triển của các cầu thủ và kéo tụt cả một đội tuyển quốc gia.
Chúng ta đã dậm chân tại chỗ suốt bao năm qua (sau thành công tại SEA Games và AFF Cup), một phần vì sai lầm trong việc không xuất khẩu cầu thủ. Những thành tích theo kiểu "ăn xổi" đã khiến người Việt phải trả giá bằng thất bại tại giải đấu vừa qua. Muốn xây dựng một nền bóng đá bền vững như Thái Lan, có lẽ đã đến lúc chúng ta phải đưa những Quang Hải, Hoàng Đức ra nước ngoài thi đấu (theo khía cạnh chuyên môn chứ không phải lợi ích kinh tế, đi theo diện thương mại như trước giờ). Chỉ có như vậy, bóng đá Việt Nam mới có thể nghĩ đến việc thu hẹp khoảng cách với Thái Lan, chứ chưa mơ đến chuyện vượt mặt đối thủ.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.