Chị Thúy từng hai lần lưu thai trước 8 tuần. Lần này chị mang thai đến tuần 18, bác sĩ một phòng khám tư chỉ định khâu eo tử cung dự phòng sinh non. Sau thủ thuật, khi thai được 22 tuần, chị đau bụng, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám phát hiện cổ tử cung có dấu hiệu nhiễm trùng.
Ngày 11/1, ThS.BS Nguyễn Thị Quý Khoa, Phó khoa Sản, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, giải thích bình thường cổ tử cung đóng kín bảo vệ túi ối và thai. Khâu eo cổ tử cung là sử dụng chỉ khâu đặc biệt để khâu vòng quanh cổ tử cung, giúp kéo dài thai kỳ đến trưởng thành. Trường hợp chị Thúy không may, 1/3 vòng cổ tử cung bị đứt rách nặng, túi ối sa sâu trong âm đạo, nhiễm trùng.
"Đây là tai biến sản khoa nghiêm trọng", bác sĩ Khoa nói thêm rằng, vết rách tại cổ tử cung khá lớn kéo dài đến eo tử cung, đã tạo ra lỗ hổng làm túi ối tụt ra ngoài.
Chị Thúy được theo dõi tim thai, cơn gò, sử dụng thuốc giữ thai nhưng không đáp ứng thuốc, tử cung bắt đầu có cơn gò. Bác sĩ cắt chỉ khâu cổ tử cung. Sau đó chị Thúy sinh thường ở tuần 22, bé mất sau vài phút chào đời.
Khâu eo tử cung được thực hiện ở tuổi thai 14-18 tuần hoặc một số trường hợp cân nhắc ở tuổi thai lớn hơn. Theo bác sĩ Quý Khoa, thủ thuật khâu eo tử cung khá an toàn song vẫn có biến chứng xảy ra như xuất huyết, nhiễm trùng, viêm màng ối, vỡ ối non, tổn thương bàng quang, rách cổ tử cung, vỡ tử cung, chuyển dạ sinh non hoặc sảy thai sớm.
Thủ thuật này chỉ nên được áp dụng phụ nữ có tiền sử hơn hai lần sảy thai to trên 14 tuần hoặc sinh non trước 28 tuần với đặc điểm chuyển dạ nhanh, không đau, theo bác sĩ Khoa. Người có yếu tố nguy cơ trên cổ tử cung như khoét chóp, cắt đoạn, tổn thương cổ tử cung do nong nạo thai kèm theo tiền sử sinh non trước 36 tuần, chiều dài cổ tử cung ngắn dưới 25 mm ở tuổi thai dưới 24 tuần hoặc chiều dài cổ tử cung có giảm dần qua các lần khám, cũng được bác sĩ cân nhắc chỉ định phương pháp này.
Tuệ Diễm
* Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |