BS.CKI Nguyễn Thị Châu Bản, chuyên khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thông tin trên, thêm rằng sức khỏe răng miệng và tiểu đường liên quan đến lượng đường trong máu cao. Bệnh tiểu đường không điều trị làm các tế bào bạch cầu suy giảm. Tế bào bạch cầu có chức năng bảo vệ cơ thể. Nếu chúng suy yếu tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng vùng miệng.
Tình trạng thiếu insulin ở người bệnh tiểu đường làm chậm quá trình lành vết thương. Môi trường ẩm và ấm trong ổ răng tạo điều kiện thuận lợi cho nấm, vi trùng tích tụ. Hệ thống miễn dịch của người bệnh yếu, khó chống chọi được với vi khuẩn xấu xâm nhập vào vết thương.
Dưới đây là một số biến chứng răng miệng thường gặp ở người tiểu đường.
Hơi thở có mùi hôi: Người bệnh tiểu đường nhiễm toan ceton (tích tụ axit trong máu) khiến hơi thở có mùi hôi. Các biến chứng như sâu răng, viêm nướu cũng làm hơi thở có mùi, gây mất tự tin.
Sâu răng: Đường huyết cao làm tăng lượng đường trong nước bọt, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn trong miệng phát triển, tích tụ mảng bám trên răng. Mảng bám không được loại bỏ hiệu quả dễ dẫn tới sâu răng, viêm nướu và hôi miệng.
Khô miệng: Bệnh tiểu đường có thể làm giảm tiết nước bọt, gây khô miệng. Người bệnh thường đau nhức, khó chịu do loét, nhiễm trùng và sâu răng khi khô miệng kéo dài.
Viêm nướu, viêm nha chu: Lượng đường trong máu cao dễ làm mạch máu tổn thương, cung cấp oxy và dinh dưỡng cho nướu hạn chế, tăng khả năng nhiễm trùng nướu và xương. Người bệnh không kiểm soát tốt đường huyết khiến đường trong nước bọt tăng cao, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây viêm nướu và sâu răng.
Khả năng lành vết thương kém: Sau khi nhổ răng, vết thương của người bệnh không lành nhanh như bình thường do lưu lượng máu bị hạn chế, không đến được các vị trí cần điều trị trên vết thương.
Bệnh tưa miệng: Bệnh này do nấm Candida tấn công và phát triển quá mức trong miệng, cổ họng và các vị trí khác trên cơ thể. Nấm Candida phát triển mạnh nhờ nồng độ glucose (đường) cao trong nước bọt của người bệnh tiểu đường.
Trẻ dưới một tháng tuổi hoặc mới biết đi, người thường xuyên đeo răng giả, từ 65 tuổi trở lên và có hệ miễn dịch suy yếu, mắc bệnh tiểu đường dễ mắc bệnh tưa miệng.
Để phòng biến chứng bệnh răng miệng do tiểu đường, người bệnh cần theo dõi thường xuyên và duy trì đường huyết ở mức ổn định theo hướng dẫn của bác sĩ Nội tiết - Đái tháo đường.
Bác sĩ Châu Bản khuyến nghị đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày (hoặc sau mỗi bữa ăn) bằng kem đánh răng có chứa fluoride để loại bỏ thức ăn, vi khuẩn bám trên răng, giảm nguy cơ mắc bệnh răng miệng. Nên chọn bàn chải đánh răng với lông nylon mềm, nhỏ và đầu tròn để dễ làm sạch mảng bám ở những khoảng trống giữa các răng, đánh với lực nhẹ để không làm tổn hại men răng.
Dùng chỉ nha khoa giúp loại bỏ mảng bám tích tụ mà không tổn hại đến răng. Bỏ thuốc lá, khám sức khỏe răng miệng định kỳ hai lần mỗi năm để bảo vệ răng miệng.
Quỳnh Dung
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |