Hai lần bỏ thai của chị Mai đều ngoài ý muốn, trong đó lần đầu vào năm 2021 do mang thai trộm sau vài tháng sinh mổ con đầu lòng, lần hai thai làm tổ trên vết mổ cũ. Quá trình hút thai bị sót nhau, chị phải can thiệp nhiều lần, tử cung tổn thương nặng dẫn đến tắt kinh, dính buồng tử cung và hai bên ống dẫn trứng.
Dính buồng tử cung là tình trạng xảy ra khi lớp đáy của nội mạc bị tổn thương sâu, khiến thành tử cung phía trước, sau dính chặt vào nhau. Ngày 30/8, ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết chị Mai nạo hút thai nhiều lần, thủ thuật nạo hút thực hiện khi thai to càng khiến lớp đáy tử cung bị bào mòn. Từ đó nội mạc tử cung mất khả năng tái tạo dẫn đến dính buồng tử cung.
Sau phá thai khoảng 4 tuần, thường người phụ nữ có thể xuất hiện kinh nguyệt trở lại. Ở một số người, kỳ kinh có thể quay lại muộn hơn, khoảng 6-8 tuần, do cần có thời gian để thành tử cung lành, nội tiết tố cân bằng. Nếu bị dính tử cung, mỗi tháng đến chu kỳ kinh lớp niêm mạc không thể bong tróc và tái tạo như bình thường, khiến lượng kinh nguyệt ít đi hoặc mất kinh nguyệt. Phụ nữ có kinh ít, thậm chí vô kinh tùy vào mức độ dính nặng hay nhẹ.
"Dính tử cung là tai biến thường xảy ra sau khi hút thai không an toàn", bác sĩ Thanh Tâm nói, thêm rằng nếu không phát hiện sớm, người bệnh có thể vô kinh hoặc sảy thai, sinh non trong lần mang thai kế tiếp, vô sinh.
Để chị Mai có kinh nguyệt trở lại, bác sĩ phẫu thuật nội soi tách dính, buồng tử cung, bơm thông hai vòi trứng. Sau mổ, bác sĩ đặt vòng nội tiết chống dính vùng đã được phẫu thuật chỉnh sửa. Người bệnh cần ngừa thai trong vòng 4-6 tháng.
Bác sĩ Thanh Tâm cho biết hiện tỷ lệ vô sinh ở nữ giới nạo phá thai cao gấp 3-4 lần so với thông thường. Ước tính tỷ lệ vô sinh do dính buồng tử cung chiếm khoảng 5% tổng số trường hợp vô sinh, trong đó 95% là do hậu quả của việc nạo hút thai.
Biến chứng dính buồng tử cung sau khi hút thai không xảy ra ngay mà diễn biến từ từ. Người bệnh có thể có dấu hiệu cảnh báo gồm vô kinh, kinh nguyệt ít dần, đau bụng, dính tắc đường ra máu kinh, nhiễm trùng tử cung, vòi trứng nếu ứ máu lâu ngày.
Bệnh khó phát hiện, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý phụ khoa khác. Những phụ nữ thuộc nhóm nguy cơ cao mắc bệnh gồm từng nạo hút thai hai lần trở lên, phẫu thuật trong buồng tử cung hoặc sửa lại khuyết sẹo cũ trên tử cung, sảy thai liên cung, nhiễm trùng tử cung. Khi có dấu hiệu kinh nguyệt bất thường, hiếm muộn hoặc sảy thai, phụ nữ nên đi khám để bác sĩ kiểm tra.
Tuệ Diễm
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |