Bà Nguyễn Thị Lan Anh (66 tuổi) xuất viện sau 10 ngày điều trị bệnh nhiễm trùng máu từ đường tiểu khiến sốt cao 41 độ, rối loạn tri giác, rơi vào hôn mê.
Trước đó, vào ngày 16/10, em trai đưa bà Anh từ Thanh Hóa về TP HCM thì bà bắt đầu mệt mỏi, sốt nhẹ khoảng 38 độ, chán ăn nhưng lại thèm nước ngọt. Bà uống hai lon. Sau khi uống nước ngọt, sức khỏe yếu nhanh, cơ thể sốt cao hơn. Bà được đưa vào cấp cứu ở một bệnh viện trên đường di chuyển về TP HCM.
Đến Nha Trang, bà nằm co người trên băng ghế, sốt cao dần lên 40 độ C, đi tiểu trong vô thức, gọi không trả lời nhưng vẫn hút được nước và sữa. Về đến TP HCM, em trai đưa bà vào khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
Người nhà cho biết, bà từng phẫu thuật 3 đốt sống lưng, đái tháo đường 3 năm nay, thường xuyên nhiễm trùng tiểu. Tiếp nhận người bệnh trong tình trạng hôn mê, da mỏng, khô, sốt 41 độ C, tim đập nhanh, thở nhanh, BS.CKI Đặng Thị Oanh chỉ định chụp CT sọ não, xét nghiệm máu. Kết quả ghi nhận não bộ không tổn thương, trong khi chỉ số nhiễm trùng lên đến 5,4 ng/ml (bình thường dưới 0,05 ng/ml).
Nhận định người bệnh bị hội chứng Cushing (cơ thể có nhiều rối loạn giữ nước, tăng cân, rạn da, tăng huyết áp, yếu cơ, loãng xương...), nhiễm trùng huyết từ đường tiểu, bác sĩ tiếp tục chỉ định cấy máu, đồng thời cho thuốc kháng sinh phổ rộng và chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu (ICU). Cơ địa người bệnh bị nhiễm trùng huyết, đối diện nguy cơ kháng kháng sinh và có thể trở nặng. Khi chỉ số nhiễm trùng giảm còn khoảng một nửa, bà tỉnh táo, ăn uống trở lại, tiếp tục theo dõi và điều trị.
Xét nghiệm cho thấy, vi khuẩn Escherichia coli (E.coli) khiến bệnh nhân nhiễm trùng huyết do nhiễm trùng tiểu. Theo bác sĩ Oanh, E.coli là một trong những chủng vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh. Việc dùng kháng sinh phổ rộng tuy kiểm soát vi khuẩn gây bệnh nhưng cũng sẽ tiêu diệt vi khuẩn có lợi. Trường hợp người bệnh trở nặng, có thể xảy ra tình trạng kháng kháng sinh, dễ rơi vào nguy kịch. Bệnh nhân được cách ly trong phòng riêng, hàng ngày kiểm tra đường huyết, tiêm insulin và dùng thuốc kháng sinh đặc trị.
Nguy cơ nhiễm trùng tiểu ở người đái tháo đường
Bác sĩ Oanh chia sẻ thêm, với người khỏe mạnh hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể trước tác nhân gây hại (vi khuẩn, virus) xâm nhập bằng nhiều con đường khác nhau. Người bệnh đái tháo đường, nhất là người bệnh không kiểm soát tốt đường huyết và mắc hội chứng Cushing thuộc nhóm suy giảm miễn dịch nên dễ bị viêm, nhiễm trùng.
Khi nhiễm trùng tiểu, người bệnh có các triệu chứng như tiểu đau, tiểu buốt, tiểu lắt nhắt... Đôi khi, người bệnh không thấy khó chịu khi tiểu mà bị đau vùng hông, sốt lạnh run hoặc xuất hiện nước tiểu đục, có mùi hôi lạ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh dễ nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng... dẫn đến tử vong nhanh chóng. Nhiễm trùng tiểu cũng dễ gây biến chứng viêm thận bể thận cấp, áp xe thận, suy thận cấp... cần được phẫu thuật để dẫn lưu mủ.
Hội chứng Cushing hoặc các tình trạng gây suy giảm miễn dịch khác khiến người bệnh đái tháo đường chỉ có triệu chứng mờ nhạt như mệt mỏi, chán ăn, đi tiểu bình thường, sốt nhẹ... Đến khi có biểu hiện nặng như sốt cao, lơ mơ..., người bệnh đã nhiễm trùng huyết, nguy cơ cao tử vong.
Bác sĩ Oanh khuyến cáo người bệnh tiểu đường, hội chứng Cushing hoặc các tình trạng suy giảm miễn dịch khi bị mệt mỏi, chán ăn, da khô... nên đi khám bác sĩ. Người bệnh đái tháo đường tuyệt đối không uống nước ngọt để tránh đường huyết tăng cao, khiến nhiễm trùng nặng diễn tiến nhanh hơn. Người bệnh không tự ý mua thuốc kháng sinh điều trị tại nhà mà không có chỉ định của bác sĩ. Dùng không đúng thuốc, không đủ liều lượng có thể dẫn đến nhiễm trùng nặng hơn và đa kháng thuốc, gây khó khăn cho điều trị.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Nguyễn Trăm