Vàng da ở trẻ sơ sinh là tình trạng da của em bé, phần lòng trắng của mắt có màu vàng. Vàng da là một tình trạng phổ biến ở trẻ sơ sinh, 50% tổng số trẻ sơ sinh mắc chứng này.
Ở trẻ sinh non, chứng vàng da phổ biến hơn, tỷ lệ bé trai mắc chứng này nhiều hơn bé gái. Vàng da thường xuất hiện trong tuần đầu trẻ chào đời. Ở trẻ sinh đủ tháng, vàng da hiếm xuất hiện hơn, có xu hướng tự khỏi. Trong một số trường hợp hiếm, bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh không được điều trị có thể dẫn đến tổn thương não, thậm chí tử vong.
Các biến chứng nguy hiểm
Bilirubin não cấp tính: tình trạng gây ra bởi sự tích tụ của bilirubin trong não, bilirubin là chất độc đối với các tế bào não. Các dấu hiệu của bệnh bilirubin não cấp tính ở trẻ bị vàng da bao gồm sốt, chậm chạp, khóc thét chói tai, bú kém, ưỡn người. Cha mẹ lưu ý điều trị ngay lập tức cho trẻ có thể ngăn ngừa tổn thương thêm.
Kernicterus (vàng da nhân): là tổn thương não do lắng đọng bilirubin không liên hợp trong hạch nền và nhân thân của não. Hội chứng có khả năng gây tử vong nếu bilirubin não cấp tính vượt quá giới hạn, gây tổn thương não vĩnh viễn.
Các biến chứng nghiêm trọng nhưng hiếm gặp khác bao gồm điếc và bại não.
Nguyên nhân
Vàng da ở trẻ sơ sinh là do dư thừa bilirubin. Bilirubin là một chất thải, được tạo ra khi các tế bào hồng cầu bị phá vỡ. Bilirubin thường được phân hủy trong gan và được loại bỏ khỏi cơ thể theo phân. Trẻ sơ sinh có số lượng tế bào hồng cầu cao, lại thường xuyên bị phá vỡ và thay mới. Trong khi đó, chức năng gan của trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện để đào thải hoàn toàn bilirubin ra khỏi máu dẫn đến dư thừa bilirubin, gây vàng da ở trẻ sơ sinh.
Vàng da ở trẻ sơ sinh khi bú sữa mẹ là phổ biến. Bệnh này xảy ra ở trẻ sơ sinh bú sữa mẹ theo hai dạng riêng biệt:
Vàng da khi cho con bú: hiện tượng xuất hiện trong tuần đầu tiên nếu trẻ bú không tốt hoặc sữa mẹ về chậm.
Vàng da do sữa mẹ: do các chất trong sữa mẹ cản trở quá trình phân hủy bilirubin. Chứng vàng da thường xuất hiện ra sau 2-3 tuần.
Một số trường hợp trẻ sơ sinh bị vàng da nặng liên quan đến: bệnh gan, bệnh thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm, chảy máu dưới da đầu (u cephalohematoma), ống mật, ruột bị tắc nghẽn, thiếu hụt enzym, suy giáp, viêm gan, thiếu oxy - mức oxy thấp.
Dấu hiệu cảnh báo
Dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh là vàng da và củng mạc (lòng trắng của mắt). Bệnh này thường bắt đầu ở đầu, sau đó lan đến ngực, bụng, cánh tay và chân.
Các triệu chứng vàng da ở trẻ sơ sinh bao gồm: buồn ngủ, phân nhạt màu, bú kém, nước tiểu sẫm màu (nước tiểu của trẻ sơ sinh phải không màu). Trong trường hợp trẻ sơ sinh bị vàng da nặng sẽ có các triệu chứng: bụng hoặc chân tay vàng, buồn ngủ, không tăng cân, bú kém, cáu gắt.
Các bác sĩ khuyến cáo rằng trẻ sơ sinh nên được kiểm tra vàng da trước khi xuất viện hoặc 3-5 ngày sau khi sinh, lúc nồng độ bilirubin cao nhất. Thông thường, điều trị vàng da nhẹ ở trẻ sơ sinh là không cần thiết vì nó có xu hướng tự khỏi trong vòng 2 tuần.
Nếu trẻ sơ sinh bị vàng da nặng, chúng có thể cần đưa đến bệnh viện để được điều trị nhằm giảm mức độ bilirubin trong máu. Trong một số trường hợp ít nghiêm trọng hơn, việc điều trị có thể thực hiện tại nhà.
Một số phương pháp điều trị vàng da nặng ở trẻ sơ sinh
Quang trị liệu: em bé được đặt dưới một luồng ánh sáng đặc biệt, che bởi một tấm chắn nhựa để lọc tia cực tím. Ánh sáng tác động vào cấu trúc của các phân tử bilirubin để chúng có thể đào thải ra ngoài.
Truyền máu trao đổi: máu của em bé được rút nhiều lần và thay thế bằng máu của người hiến tặng. Phương pháp này sẽ chỉ được xem xét nếu quang trị liệu không hiệu quả vì em bé cần phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) dành cho trẻ sơ sinh.
Globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch (IVIg): trong trường hợp phát ban hoặc bất đồng nhóm máu mẹ con ABO, trẻ sơ sinh được truyền immunoglobulin - một loại protein trong máu làm giảm các kháng thể từ mẹ đang tấn công các tế bào hồng cầu của trẻ sơ sinh.
Nếu vàng da do nguyên nhân khác, có thể phải phẫu thuật hoặc điều trị bằng thuốc.
Cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh là đảm bảo bé ăn đầy đủ. Trong tuần đầu tiên của cuộc đời, trẻ bú sữa mẹ nên được cho ăn 8-12 lần một ngày, trong khi trẻ bú sữa công thức, người lớn cho ăn 30-59 ml sữa công thức mỗi 2-3 giờ.
Quỳnh Anh (Theo Medicalnewstoday)