Những tổn thương gan lan tỏa mạn tính không thể hồi phục do nhiều tác nhân như viêm gan virus, gan xơ hóa, gan nhiễm mỡ không do rượu... khiến hình thành các mô sẹo. Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh (Trưởng khoa Tiêu hóa, bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết, những mô sẹo này dần thay thế những tế bào gan bị tổn thương, ngăn chặn máu chảy qua gan; làm chậm quá trình xử lý chất độc, chất dinh dưỡng, hormone và thuốc... Vì vậy, xơ gan có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng nếu không được kiểm soát tốt và điều trị, nhất là xơ gan giai đoạn mất bù.
Xuất huyết tiêu hóa
Những tế bào gan bị xơ hóa cản trở dòng chảy của máu qua gan, dẫn đến tăng huyết áp ở tĩnh mạch cửa - những tĩnh mạch vận chuyển máu từ các cơ quan nội tạng (dạ dày, ruột, tụy, lách) đến gan, từ đó áp lực tại tĩnh mạch cửa tăng lên. Lúc này, máu sẽ tìm các con đường khác để di chuyển về tim gây ra một hệ thống mạch máu mới gọi là tuần hoàn bàng hệ. Tuy vậy, thành vách hệ thống tuần hoàn bàng hệ mỏng nên lượng máu lớn đi qua dễ gây giãn, vỡ và chảy máu.
Gan bị xơ hóa làm giãn tĩnh mạch thực quản, tĩnh mạch phình vị dạ dày. Khi những tĩnh mạch này bị vỡ do giãn nở quá mức dẫn tới xuất huyết tiêu hóa. Lúc này, người bệnh thường nôn ra máu tươi hoặc đại tiện phân đen, phân lẫn máu tươi. Tình trạng mất máu cấp do xuất huyết tiêu hóa khiến người bệnh choáng váng, lao đao, đe dọa tính mạng.
Phù chân, cổ trướng
Gan không thể tổng hợp được albumin (một loại protein được tổng hợp tại gan), gây ứ đọng dịch, tăng áp lực tĩnh mạch cửa nhưng giảm tính thẩm thấu của mao mạch. Lượng albumin trong máu giảm, đồng thời gan xơ hóa làm tăng áp lực tĩnh mạch cửa khiến nước và các thành phần khác tràn vào khoang bụng, giữ nước gây phù chân. Dịch tích tụ trong ổ bụng khiến da căng lên, các mạch máu nổi rõ, bụng ngày càng phình to.
Lá lách to
Ở người bệnh xơ gan, lá lách có thể sưng to, xung huyết, dẫn tới cường lách, làm giảm số lượng bạch cầu và tiểu cầu.
Viêm phúc mạc do vi khuẩn
Tiến sĩ Khanh cho biết, tình trạng cổ trướng kéo dài có nguy cơ nhiễm trùng dịch cổ trướng hay nhiễm trùng dịch báng, còn gọi là viêm phúc mạc tiên phát do vi khuẩn. Lúc này, người bệnh thường có biểu hiện sốt, đau bụng dữ dội, đi ngoài phân lỏng.
Nhiễm trùng
Tình trạng xơ hóa gây tăng áp lực tĩnh mạch cửa, khiến các vi khuẩn đường ruột dễ từ ruột chuyển vào máu. Xơ gan còn ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch. Người bệnh xơ gan dễ bị nhiễm trùng, ngoài nhiễm trùng dịch báng còn có thể nhiễm trùng máu, viêm phổi...
Suy thận
Biến chứng này còn gọi là hội chứng gan - thận, thường gặp ở bệnh nhân xơ gan cổ trướng. Người bệnh có thể xuất hiện tình trạng suy thận chức năng với các biểu hiện mệt mỏi, tiểu ít, thậm chí không thể tiểu tiện. Tình trạng này xảy ra do giãn mạch làm giảm thể tích máu động mạch, co mạch thận, khiến máu thoát ra ngoài khoang ổ bụng, khoang màng hoặc các khoảng gian bào của các mô.
Bệnh não gan
Ở người xơ gan nặng, các độc tố không thể được đào thải hết mà tồn đọng trong cơ thể, chẳng hạn khí amoniac có trong ruột. Khi nồng độ amoniac tồn lưu trong máu tăng cao, theo máu lên não và tích tụ tại đây sẽ gây bệnh não gan.
Người bệnh xơ gan khi có các biểu hiện rối loạn tinh thần như bồn chồn, mất ngủ khó tập trung, lú lẫn,... cần thận trọng do có thể là dấu hiệu của bệnh não gan. Bệnh có thể dẫn đến hôn mê gan, tăng nguy cơ tử vong. Một số yếu tố khác tăng nguy cơ mắc bệnh não gan ở người xơ gan là xuất huyết tiêu hóa, nhiễm trùng, mất nước, lạm dụng thuốc ngủ hay thuốc an thần...
Ung thư gan
Người bệnh xơ gan có nguy cơ cao bị ung thư gan. Ở giai đoạn sớm, ung thư gan không bộc lộ triệu chứng điển hình. Hầu hết trường hợp phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn, người bệnh đi khám và siêu âm ổ bụng sau khi đã có những biểu hiện sụt cân nhanh, mệt mỏi, kiệt sức, đau tức vùng hạ sườn phải hoặc xuất huyết ổ bụng do khối u bị vỡ. Lúc này việc điều trị gặp nhiều khó khăn, tốn kém chi phí, thời gian sống sau 5 năm thấp.
Theo Tiến sĩ Khanh, không có cách nào giúp gan hồi phục hoàn toàn khi đã bị xơ hóa. Để cải thiện tình trạng và phòng biến chứng nguy hiểm, người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ; xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học: không sử dụng rượu bia, bỏ hút thuốc lá, ăn nhiều rau xanh, chất xơ, hạn chế ăn mặn; rèn luyện thể dục thể thao; tiêm phòng cúm... Người bệnh nên khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư gan 6 tháng một lần nhằm phát hiện sớm các biến chứng để có kế hoạch điều trị kịp thời.
Trịnh Mai