Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM chẩn đoán bà bị sa bàng quang độ 3, sa tử cung độ 2. Phần dưới của bàng quang tụt qua lỗ cơ quan sinh dục ngoài, đẩy thành trước của âm đạo ra ngoài âm hộ, làm vùng kín biến dạng. Khối sa to khiến phần dưới trì nặng, viêm loét, nhiễm trùng.
Do sợ mổ, bà chỉ uống thuốc điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu. Bệnh không khỏi, vùng bụng dưới căng nặng, bí tiểu, khó đi lại, thường xuyên mất ngủ.
Bà Chín, 48 tuổi, cũng bị són tiểu kèm sa bàng quang từ năm 2013, mất ngủ vì đi tiểu mỗi đêm 7-8 lần. Bác sĩ khuyên mổ nhưng bà từ chối, uống thuốc theo đơn trị tiểu lắt nhắt, tiểu buốt và có máu. Bệnh không bớt, sức khỏe giảm sút, bà đến bệnh viện Tâm Anh khám, bác sĩ chẩn đoán sa bàng quang và trực tràng.
ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết hai bệnh nhân trên bị sa bàng quang mức độ nhẹ nhưng trì hoãn điều trị khiến sàn chậu mất cơ hội hồi phục, dẫn đến biến chứng sa thêm cơ quan thứ hai.
Do lứa tuổi và mức độ sa khác nhau, mỗi người bệnh có phác đồ điều trị riêng và có chỉ định phẫu thuật. Bà Phi được đặt mảnh ghép nâng bàng quang, treo tử cung qua ngả âm đạo. Trường hợp bà Chín, bác sĩ phẫu thuật đặt dải lưới nâng phía dưới phần niệu đạo ngoài (gần lỗ tiểu) để phục hồi cấu trúc sàn chậu nâng đỡ cho phần niệu đạo gây tiểu không kiểm soát.
Một ngày sau can thiệp, bác sĩ Tâm đánh giá tình trạng són tiểu của hai bệnh nhân giảm 95%. Bà Chín lần đầu tiên có được giấc ngủ ngon sau 10 năm mất ngủ vì tiểu đêm. Riêng bà Phi, sau phẫu thuật, tử cung, bàng quang về đúng chỗ.
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Thành viên Ban chấp hành Hội Sàn chậu học Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, dẫn nghiên cứu cứ ba phụ nữ từng mang thai và sinh đẻ có một người bị són tiểu. Tình trạng này xảy ra ở khoảng 20-30% phụ nữ trẻ, 30-40% ở độ tuổi trung niên và ghi nhận ở hơn 50% phụ nữ mãn kinh. Ghi nhận tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, 40% phụ nữ trên 50 tuổi bị sa ít nhất một cơ quan vùng chậu như ruột, trực tràng, bàng quang, 70% trường hợp trong tổng số này bị sa ít nhất hai cơ quan.
Theo bác sĩ Mỹ Nhi, bệnh lý sàn chậu phổ biến ở nữ giới, tần suất mắc gấp 4 lần so nam giới do liên quan đến mang thai, sinh nở hoặc thiếu hụt nội tiết ở giai đoạn tiền mãn kinh.
Bệnh sa tạng vùng chậu chia làm 4 cấp độ. Giai đoạn sớm chỉ sa trong âm đạo, nằm trên màng trinh 1 cm, nên người bệnh chưa nhận biết. Lâu dần, khối sa ra ngoài, cơ mất phục hồi, không thể trở về vị trí ban đầu ảnh hưởng đời sống tình dục, dễ viêm nhiễm, khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.
Phát hiện bệnh giai đoạn sớm, người bệnh được điều trị bằng phương pháp không xâm lấn như máy tập cơ sàn chậu, chiếu tia laser giúp tăng cường chức năng của mô liên kết bên trong thành âm đạo, cải thiện sự nâng đỡ của sàn chậu và bớt triệu chứng. Với bệnh nhân phát hiện trễ, biến dạng vùng kín, gây biến chứng trên đường niệu, bác sĩ phẫu thuật đặt lưới treo nâng các cơ quan bị sa. Chỉ cắt tử cung khi có chỉ định về phụ khoa.
Bác sĩ Tâm khuyến cáo phụ nữ có dấu hiệu rò nước tiểu, rò phân, đau vùng chậu, sờ thấy khối sa ở âm đạo cần đi khám ngay. Phụ nữ không nên đẻ dày, sau sinh nên tập phục hồi cơ sàn chậu.
Tuệ Diễm
20h, ngày 14/9, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức tư vấn trực tuyến "Điều trị đa mô thức bệnh són tiểu, sa bàng quang, sa sinh dục". Chương trình có các bác sĩ tư vấn gồm ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê, ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm, TS.BS Lê Phúc Liên. Độc giả đặt câu hỏi tại đây để các bác sĩ giải đáp. |