Bác sĩ William Schaffner, Giám đốc Y tế của Quỹ Quốc gia về bệnh truyền nhiễm (NFID) của Mỹ, cho biết hầu hết bệnh nhân tiểu đường thường gặp khó khăn trong việc điều trị tình trạng nhiễm trùng. Bất kỳ bệnh lý nhiễm trùng nào cũng làm tăng lượng đường trong máu, thay đổi các chỉ số, dẫn đến kháng insulin. Khi nhiễm virus cúm, người bị sẽ bị nghẹt mũi, đau họng, viêm màng nhầy bên trong ống phế quản; tình trạng nặng có thể dẫn đến viêm phổi với các triệu chứng điển hình như khó thở, ho, đau ngực.
Khi bị viêm phổi, cơ thể người bệnh tiểu đường không thể kiểm soát lượng đường trong máu, đường huyết cao. Mặt khác, tình trạng béo phì, thừa cân ở người mắc bệnh tiểu đường type 2 là yếu tố nguy cơ khiến bệnh viêm phổi tiến triển.
Một số cách giúp người bệnh tiểu đường mắc cúm có thể hồi phục nhanh hơn bao gồm: Uống đủ 2-2,5 lít nước mỗi ngày; kiểm tra đường huyết thường xuyên; không ăn quá nhiều; uống siro ho không đường.
Ho nhiều kèm sốt dai dẳng là dấu hiệu cảnh báo người bệnh bị viêm phổi. Các triệu chứng của bệnh cúm thường nặng vào ngày thứ 2-3, cải thiện dần từ ngày 5-7. Trường hợp cảm thấy đau ngực dữ dội, khó thở, ho nặng sau 5-7 ngày mắc cúm, sốt cao từ 38 độ C trở lên, khó kiểm soát đường huyết, ngất xỉu, bất tỉnh... người bệnh cần nhập viện điều trị.
Minh Thúy (Theo Everyday Health, Medical News Today, Healthline)