Có phải tôi bị nhiễm trùng không? Cách điều trị biến chứng bàn chân đái tháo đường thế nào? (Huỳnh Ngọc An, Vĩnh Long)
Trả lời:
Biến chứng bàn chân do đái tháo đường xuất hiện với các vết loét đơn giản, sau đó nhiễm trùng, lâu lành; ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, chất lượng cuộc sống, có thể phải đoạn chi, tử vong.
Nguyên nhân biến chứng bàn chân đái tháo đường là do tổn thương mạch máu như: xơ vữa hẹp mạch máu, giảm tưới máu, tổn thương thần kinh với những rối loạn dinh dưỡng, rối loạn dẫn truyền thần kinh, tổn thương biến dạng xương, viêm xương. Các yếu tố như vết trầy xước, mất da nhiễm trùng... cũng có thể làm tăng nguy cơ biến chứng bàn chân.
Biến chứng này còn xảy ra ở người mới mắc bệnh hoặc lâu năm, can thiệp không đúng khi có tổn thương như: ngâm nước nóng, ngâm thuốc... Khi tổn thương xuất hiện vết loét, chăm sóc sớm, điều trị đúng cách giúp vết thương nhanh lành. Có nhiều cách điều trị bệnh bàn chân đái tháo đường bao gồm:
Chăm sóc tại chỗ vết thương: Các bước quan trọng trong chăm sóc vết thương theo phương pháp TIME, MOIST gồm kiểm soát tình trạng nhiễm trùng, dịch tiết của vết thương; cắt lọc mô hoại tử, cung cấp oxy mô tại chỗ; kích thích quá trình lên mô hạt và lành thương. Các dung dịch rửa, chăm sóc vết thương tại chỗ có thể sử dụng như: hypochlorite (HOCL), prontosan, betadine...
Các loại băng gạc vết thương mới giúp kiểm soát dịch tiết, kiểm soát nhiễm trùng tại chỗ như: foam, alginate. Các loại gạc tẩm bạc hay mật ong giúp kiểm soát mùi hôi, nhiễm trùng. Dụng cụ hút áp lực âm vacuum assisted closure (VAC) có tác dụng kiểm soát dịch tiết, kích thích lên mô. Các thuốc kích thích lên mô hạt (hình thành các mạch máu mới) và biểu bì như: các yếu tố tăng trưởng, các chất cung cấp nguồn oxy tại chỗ vết thương giúp nhanh lành.
Chăm sóc toàn thân: Kiểm soát tình trạng nhiễm trùng bằng các loại kháng sinh đường uống hay đường tiêm mạch hạn chế tình trạng nhiễm trùng lan rộng, kiểm soát nhiễm trùng tại chỗ. Tùy từng trường hợp của bệnh nhân, bác sĩ có thể kê loại kháng sinh phù hợp. Bởi các vi trùng thường gặp trong vết loét bàn chân đái tháo đường có thể có nhiều loại cùng lúc gây ra. Bên cạnh đó, người bệnh cần kiểm soát đường huyết và các bệnh nền. Chăm sóc, điều trị, phòng ngừa biến chứng bàn chân đái tháo đường cần có sự hợp tác của người bệnh và bác sĩ.
Trường hợp của chị vết cắt nhỏ nhưng lâu lành, loét, có mủ là đã bị nhiễm trùng có thể đến bác sĩ chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường để khám, điều trị sớm, tránh nhiễm trùng gây nguy hiểm đến sức khỏe.
TS.BS Lâm Văn Hoàng
Cố vấn khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM