Trả lời:
Đồ uống có cồn được chứng minh là làm tăng nguy cơ mắc ít nhất 7 loại ung thư gồm ung thư vú (ở phụ nữ), đại tràng, thực quản, thanh quản, gan, khoang miệng và vòm họng. Rượu chứa ethanol, một tác nhân gây ung thư. Khi vào cơ thể, ethanol chuyển hóa thành acetaldehyde, phá vỡ quá trình tổng hợp và sửa chữa DNA, góp phần sinh ra tế bào ung thư.
Bạn đang điều trị ung thư tốt nhất không nên uống rượu bia. Bởi rượu có thể gây viêm gan, ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa một số loại thuốc ở gan, làm tăng khả năng ngộ độc. Bệnh nhân bị viêm niêm mạc miệng nên kiêng hẳn rượu bia, vì dù chỉ một lượng nhỏ cũng khiến viêm niêm mạc miệng nặng và lâu lành hơn.
Người bệnh sau xạ trị uống rượu có thể gây mất nước, khiến cơ thể khó phục hồi hơn, tăng nguy cơ loét miệng. Người bệnh ung thư được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch uống rượu làm suy yếu hệ thống miễn dịch, giảm khả năng chống lại nhiễm trùng hoặc bệnh tật, giảm hiệu quả của thuốc. Uống quá nhiều rượu còn có nguy cơ làm nặng thêm các triệu chứng như mệt mỏi và trầm cảm, gây khó khăn cho quá trình hồi phục.
Rượu cũng có khả năng can thiệp vào hoạt động bình thường của tế bào, dẫn đến đột biến DNA, suy yếu phản ứng miễn dịch. Từ đó, cơ thể khó phát hiện và tiêu diệt tế bào ung thư, tăng nguy cơ tái phát bệnh. Bạn nên từ chối rượu bia ngay cả ngày lễ, Tết. Nếu bắt buộc phải uống chỉ nên nhấp một ngụm nhỏ, mức thấp nhất. Viện Ung thư Quốc gia Mỹ khuyến cáo nam giới không uống quá hai ly mỗi ngày.
Rượu có thể cản trở quá trình hấp thụ vitamin B9. Do đó, bạn cần nạp ít nhất 600 microgam vitamin B9 mỗi ngày nếu phải uống rượu. Các thực phẩm giàu vitamin B9 nên đưa vào thực đơn gồm bông cải xanh, rau bina, cải brussels, chuối, trái cây họ cam quýt, dưa, trứng, đậu nành Nhật Bản, đậu lăng, măng tây, gia cầm, thịt lợn, quả bơ, đậu đen, củ cải đường, các loại hạt.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Hải Bình
Phó khoa Ung bướu
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |