Khi mang thai con đầu, tôi phát hiện tiểu đường thai kỳ, vì lo lắng nên ăn ít, bé chào đời đủ tháng nhưng chỉ nặng 2,4kg. Hiện tôi bầu bé thứ 2 nên ăn uống thế nào để an toàn cho mẹ và con? (Tiểu Ân, 32 tuổi, Long An).
Trả lời:
Phụ nữ đái tháo đường sẽ lúng túng không biết làm sao để tăng lượng dinh dưỡng nuôi em bé phát triển khỏe mạnh như phụ nữ bình thường. Ở họ có nguy cơ bổ sung dinh dưỡng không cân đối tăng quá nhiều chất thì đường huyết không kiểm soát được có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ, thai nhi. Do đó, khẩu phần ăn của mẹ bầu mắc bệnh đái tháo đường phải thay đổi so với phụ nữ bình thường mang thai.
Ví dụ, lượng bột đường trong mỗi bữa ăn như cơm, bún, mì, phở, khoai, bánh mì,... hay những loại thức ăn ngọt như bánh ngọt, chè, trái cây ngọt thì cần kiểm soát kỹ. Nghĩa là trong mỗi bữa ăn phụ nữ mang thai cần giảm lượng bột đường xuống không ăn quá nhiều. Điều này không có nghĩa chị em phải kiêng triệt để, mà lượng ăn phù hợp để đường huyết ổn định, không tăng quá cao. Nếu không kiểm soát tốt đường huyết, để cao quá thì các bác sĩ buộc phải cho thai phụ sử dụng một loại thuốc để hạ đường huyết tên là insulin, để đưa chỉ số trở lại bằng với nồng độ đường của phụ nữ bình thường.
Sau mỗi lần điều chỉnh đưa được đường huyết dần ổn định, thai phụ cần tiếp tục kiểm soát đường huyết. Thường thai phụ nữ cần một chén cơm, duy trì lượng ăn này, không ăn ít hơn cũng không nên ăn nhiều hơn.
Thai phụ cần lưu ý, người mắc bệnh đái tháo đường cần tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn, giờ giấc. Phụ nữ mang thai nên chia nhỏ bữa ăn. Nếu ba bữa ăn chính chúng ta đã ăn ít cơm thì những bữa ăn phụ sẽ cần ăn thêm một ít bột đường và các thực phẩm khác như trái cây, sữa để cung cấp đủ dinh dưỡng nhưng vẫn có lượng bột đường đầy đủ cho người mẹ.
Phụ nữ mang thai cần tăng lượng rau xanh, các loại chất béo như dầu mỡ, da thì nên hạn chế ăn. Tối đa chỉ ăn 1-2 lần một tuần. Tuy nhiên, thai phụ cần kiểm tra đường huyết để điều chỉnh chế độ ăn, kiểm tra mức độ tăng cân, tái khám thai định kỳ để bác sĩ kiểm tra đường huyết, can thiệp kịp thời.
Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp glucose hoặc tăng đường huyết được phát hiện lần đầu tiên trong thai kỳ, không loại trừ trường hợp bệnh nhân có ĐTĐ từ trước mà không biết hoặc sau khi sinh bệnh nhân còn tăng đường huyết hay không. Khoảng 4% thai phụ bị bệnh này và bệnh thường xảy ra vào 3 tháng giữa thai kỳ (tháng thứ 4 đến tháng thứ 6).
Thông thường các tai biến chỉ xảy ra nếu đường huyết không được ổn định tốt hoặc bệnh nhân có các biến chứng trước khi có thai. Biến chứng đối với thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ là tăng huyết áp thai kỳ (có thể bị tiền sản giật), đa ối. Thai nhi có mẹ bị đái tháo đường thai kỳ sẽ đối mặt với tình trạng sinh non, dị tật thai, thai to hoặc chậm tăng trưởng trong tử cung so với tuổi thai bình thường, thai chết lưu, thai bị thiếu surfactant ở phế nang, các rối loạn chuyển hóa lúc sơ sinh: đa hồng cầu, tăng bilirubin gây vàng da kéo dài, hạ calci huyết, hạ đường huyết sơ sinh. Do đó, chị em cần quản lý thai kỳ tốt nếu gặp phải tình trạng này.
Bệnh nhân đái tháo đường type 1, type 2 đều có thể thụ thai. Nếu chị em bị bệnh đái tháo đường, phát hiện trước khi có thai cần lên kế hoạch, ổn định đường huyết thật tốt trước khi thụ thai, nhận tư vấn bác sĩ trước khi có bầu vì phải kiểm soát đường huyết tốt. Khi có bầu tình trạng kiểm soát đường huyết sẽ khó khăn hơn. Khi có thai bệnh nhân cần được phối hợp chăm sóc toàn diện bởi bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa đái tháo đường, bác sĩ sản phụ khoa, chuyên khoa bệnh lý sơ sinh và nữ hộ sinh.
Nếu trước thai kỳ không bị bệnh đái tháo đường nhưng vào khoảng tuần 20-22 của thai kỳ thì các bác sĩ sản phụ khoa sẽ cho thai phụ test kiểm tra đường huyết xem có bị đái tháo đường thai kỳ không. Một số trường hợp sẽ phát hiện ra bị đái tháo đường ở giai đoạn này. Khi đó, thai phụ cần gặp bác sĩ dinh dưỡng tư vấn chế độ ăn phù hợp, vì khẩu phần ăn của người mẹ mang thai mắc bệnh đái tháo đường phải thay đổi.
Thai phụ có thể lựa chọn thăm khám thai định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Bệnh viện phối hợp nhiều chuyên khoa, đặc biệt liên kết khoa Sản - Nội tiết - Dinh dưỡng với các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành hỗ trợ, chăm sóc các mẹ bầu xuyên suốt thai kỳ khỏe mạnh, an vui.
BS.CKI Đào Thị Yến Thủy
Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, BVĐK Tâm Anh TP HCM