Trả lời:
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là tình trạng suy giảm chức năng của tĩnh mạch, giảm khả năng đưa máu về tim, khiến máu ứ đọng máu ở chân, lâu ngày gây giãn tĩnh mạch. Kết hợp nhiều biện pháp gồm thay đổi lối sống (tập thể dục, giảm cân, kê cao chân khi nghỉ), mang vớ áp lực tĩnh mạch, sử dụng thuốc can thiệp thủ thuật khi cần thiết có thể giúp điều trị bệnh hiệu quả.
Đi bộ tốt cho sức khỏe nên được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, sau khi được chẩn đoán suy tĩnh mạch chi dưới, đa số người bệnh đều bỏ thói quen này vì lo bệnh nặng hơn. Thực ra, khi nhấc gót để đi bộ, các cơ ở bắp chân hoạt động, đóng vai trò như máy bơm co - giãn liên tục, tạo lực nén vào tĩnh mạch sâu, giúp đẩy máu về tim dễ dàng. Động tác nhấc gót chân cũng có tác dụng bơm máu từ bàn chân lên. Quá trình này giảm ứ trệ máu ở chân, giảm áp lực lên thành tĩnh mạch và cải thiện triệu chứng của bệnh. Khi tập luyện đều đặn, hệ cơ chắc khỏe hỗ trợ tĩnh mạch sâu bên dưới nó, có tác dụng giảm huyết áp ở cả động mạch và tĩnh mạch, tăng cường sức khỏe tim mạch.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) và Hiệp hội Phẫu thuật Mạch máu Mỹ (SVS) đều khuyến cáo bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch nên duy trì thói quen đi bộ thường xuyên. Đây được xem là phương pháp điều trị phối hợp cùng vớ tĩnh mạch và thuốc. Người bệnh nên đi bộ nhanh, không phải đi chậm hay chạy. Đi chậm sẽ không vận dụng được hết hệ cơ chân và dễ ứ máu chân hơn, còn khi chạy bộ máu bị ứ đọng nhiều hơn.
Bên cạnh cải thiện tình trạng giãn tĩnh mạch, đi bộ còn mang lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe như duy trì cân nặng hợp lý, hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường miễn dịch, góp phần ngăn ngừa và điều trị bệnh mạn tính. Bài tập này cũng tăng cường sức khỏe hệ cơ xương, giảm đau khớp, làm chậm thoái hóa khớp.
Người bệnh suy tĩnh mạch chi dưới cần chú ý những điều sau để quá trình tập luyện diễn ra thuận lợi.
Người không có thói quen đi bộ nên bắt đầu với tốc độ vừa phải và quãng đường ngắn, sau đó tăng dần cự ly, thời gian. Nên đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần.
Khởi động kỹ các khớp trước khi đi bộ và thả lỏng cơ thể sau khi tập.
Mang vớ áp lực tĩnh mạch khi tập luyện để giảm triệu chứng, hỗ trợ tuần hoàn máu.
Chọn giày dép vừa vặn, thoải mái, có độ nâng đỡ tốt cho bàn chân.
Với người bị loét chân do giãn tĩnh mạch, hãy điều trị tình trạng loét và giảm đau trước khi bắt đầu đi bộ.
Trong giai đoạn đầu, người tập có thể cảm thấy khó chịu hoặc đau chân, nhưng đừng vội bỏ cuộc. Đôi chân sẽ quen dần, cơn đau cải thiện trong vài ngày sau đó.
Nếu tình trạng suy giãn tĩnh mạch của mẹ bạn đang tiến triển hoặc khiến bà đau nhiều, ảnh hưởng đến sinh hoạt, hãy tạm ngưng đi bộ. Bạn nên đưa mẹ đi khám tại chuyên khoa Ngoại lồng ngực - Mạch máu để được đánh giá, can thiệp phù hợp. Sau khi chữa khỏi bệnh, mẹ bạn có thể thực hiện bài tập này trở lại nhằm duy trì hiệu quả điều trị, ngăn ngừa bệnh tái phát.
BS.CKI Trần Quốc Hoài
Khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |