Tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sáng 27/3, Phó đoàn Hưng Yên Nguyễn Đại Thắng ủng hộ cấm tuyệt đối nồng độ cồn vì "tính mạng, sức khỏe con người là trên hết". "Ban đầu tôi cũng băn khoăn vì cấm tuyệt đối nồng độ cồn sẽ dẫn tới các tác động nhất định, nhưng sau khi nghiên cứu số vụ tai nạn giao thông và kết quả mang lại từ việc xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn, tôi quyết định chọn phương án cấm", ông Thắng nói.
Phó đoàn Quảng Bình Nguyễn Minh Tâm cũng ủng hộ phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn vì phù hợp Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; góp phần phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro do người uống rượu, bia điều khiển phương tiện gây ra. Tuy nhiên, nữ đại biểu đề nghị đánh giá tác động chính sách toàn diện hơn, đưa ra các số liệu để chứng minh "quy định ngưỡng nồng độ cồn là không khả thi, khó kiểm soát tai nạn giao thông".
Bà Lý Thị Lan, Phó đoàn Hà Giang, đồng tình cấm tuyệt đối tài xế có nồng độ cồn, nhưng đề nghị rà soát và cân nhắc mức xử phạt, hình thức xử phạt phù hợp để luật đi vào cuộc sống. "Phải có lộ trình, từng bước theo thời gian để tạo thành ý thức, văn hóa khi tham gia giao thông", bà nói.
Một số đại biểu lại đề nghị luật nên quy định chi tiết ngưỡng nồng độ cồn tối thiểu. Theo Phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa, nếu uống một cốc bia hoặc rượu, "tâm trí vẫn bình thường, lái xe vẫn tốt". Bên cạnh đó, người dân Việt Nam có truyền thống đám tiệc, hiếu hỉ thường uống một chút rượu, bia.
"Nhưng uống hôm trước thì hôm sau vẫn còn nồng độ cồn. Trường hợp này mà bị cảnh sát giao thông phạt thì vô lý", ông nói, đề nghị Quốc hội xem xét, cơ quan y tế phối hợp tính toán cụ thể về ngưỡng nồng độ cồn để có mức xử phạt hợp lý.
Phó đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc cho rằng quy định nồng độ cồn bằng 0 khác với việc có sử dụng rượu bia rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. "Ngoài rượu bia thì còn một số loại nước hoa quả dù không phải rượu bia nhưng vào cơ thể sẽ khiến nồng độ cồn không bằng 0 nữa, như vậy xử phạt thế nào?", bà Phúc nói, đề nghị không nên quy định nồng độ cồn bằng 0 để đảm bảo thực thi pháp luật tường minh.
Trước đó, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã tham vấn ý kiến của WHO, cơ sở khám chữa bệnh, nhà chuyên môn về nồng độ cồn tự nhiên trong cơ thể người (cồn nội sinh). Đại diện Bộ Y tế nói người dân không nên quá lo ngại về nồng độ cồn nội sinh vì tình huống này rất hy hữu, chỉ gặp ở một số người có bệnh lý tiêu hóa, ngưỡng cũng rất nhỏ. Những trường hợp như vậy có thể yêu cầu xét nghiệm máu, kết quả sẽ chính xác tuyệt đối.
Tranh luận "nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe" bắt đầu từ kỳ họp Quốc hội cuối năm 2023, khi một số thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở là "quá nghiêm khắc và chưa phù hợp". Những người này đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế và quy định nồng độ cồn ở mức độ phù hợp đối với từng loại phương tiện; bảo đảm tính thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, báo cáo Thường vụ Quốc hội mới đây, Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị duy trì quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe do nồng độ cồn nội sinh chưa có căn cứ rõ ràng. Trong văn bản tham gia giải trình một số nội dung mới của dự thảo Luật, Bộ Công an cũng bảo lưu quan điểm quy định nồng độ cồn bằng 0 khi điều khiển phương tiện để giúp người lái xe tránh tình trạng "bị ép uống rượu". Hơn nữa, tài xế khi tham gia giao thông phải duy trì sự tỉnh táo và phản xạ nhanh để xử lý tình huống bất ngờ xảy ra.
Nghị định 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nêu lái xe sẽ bị xử phạt khi có nồng độ cồn vượt mức 0. Mức phạt cao nhất với người đi xe đạp là 400.000 đến 600.000 đồng; xe máy 6 đến 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng; ôtô 30 đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.
Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 6 cuối năm 2023, dự kiến được thông qua tại kỳ họp Quốc hội giữa năm nay.