Khi bàn luận về vấn đề việc làm, người ta có hay nói về công việc này cao sang, công việc kia hèn mọn? Bố mẹ có nên áp đặt con cái trên con đường định hướng và lựa chọn nghề nghiệp? Những định kiến sai lầm, những tư duy lạc lối đôi khi sẽ khiến bạn quay xe không kịp. Bài viết này của tôi sẽ không dành cho những bạn thích đôi ba câu văn mạng, hay những xập xình vui tai như lời rap "Lối nhỏ" của Đen Vâu.
Vừa rồi, về quê, tôi có dịp được gặp lại gia đình ông anh họ (gọi bằng con cô - cậu). Nhà anh ở thôn Hòa, còn nhà tôi ở thôn Hợp. Vợ chồng anh nổi tiếng có hai đứa con học giỏi được cả làng trên xóm dưới không khỏi trầm trồ. Đứa con gái học tốt môn Xã hội nên cháu chọn học Sư phạm ở tỉnh rồi ra làm giáo viên dạy văn, cuộc sống rất an nhàn, hạnh phúc. Còn thằng con trai, tuy nó có máu chính trị, nhưng anh lại hướng và muốn con vào học ngành Hóa dầu, vì nhà anh có ông chú làm lớn bên Tập đoàn Dầu khí và có lẽ cũng được ông hứa hẹn gì đấy.
Sáng hôm đó, khi tôi vừa đặt chân đến đầu cổng nhà anh, vừa bỏ giày ra để lên bậc thềm, tôi đã thấy ông anh đang ngồi lao đao trên cái chõng tre hình như từ thời của ông cố để lại. "Chào anh Mõ, mới sáng sớm mà đã ngồi chõng bắt chuồn chuồn rồi, khỏe không anh?", tôi chào hỏi. "Ai đấy, à chú, gớm, lâu quá mới về quê chơi anh nhìn mãi không ra. Thôi ngồi luôn xuống đây uống với anh ly nước cất", anh cà lăm mãi mới nói thành lời.
Tôi ngồi xuống cùng người bà con ruột rà bên cái chõng cũ. Nhìn xuống là một cái chai nước cỡ lớn và một ly trà nhưng dùng để uống rượu, mùi men nồng nặc khắp cả hiên nhà. Cái đĩa đựng hai củ khoai lang luộc lạnh tanh, mùi thơm khiến mấy con ruồi cứ lượn lờ qua lại. Tôi bảo: "Chết mất, mới sáng sớm chưa ăn gì lót dạ, mà anh đã 'súc miệng' với cả chai này thì bao tử thành bao tải mất, còn đâu sức mà phục vụ chị nhà nữa". Anh thì thào: "Buồn lắm chú! Nhà đầy việc, con cái sức dài vai rộng nhưng nó chẳng chịu làm ăn, tôi già rồi không làm nổi thì chỉ có ly rượu mua vui chứ biết làm sao bây giờ".
Anh mời tôi một củ khoai, tôi cảm thấy thật ấm lòng với cái món ruột của quê hương. Rồi hai anh em ngồi nói chuyện luôn trên cái chõng có vẻ chỉ chờ để sập xuống. Người đàn ông trụ cột gia đình kể rằng, khi thằng con trai học xong đại học ra trường, anh gửi nó vào miền Nam, nhờ ông chú nó xin việc trong lĩnh vực Dầu khí như chuyên ngành nó học. Nhưng ông chú do tham nhũng nên bị mất chức, xộ khám. Không còn chỗ dựa dẫm, con anh phải vào khu công nghiệp làm, nhưng lương chỉ bảy, tám triệu đồng một tháng. Không đủ sống và thuê nhà nên nó lại về quê.
Về được một thời gian nó bảo bố chạy cho ít tiền, vì có quen người "mua" cho cái ghế dưới Ủy ban xã. Nhưng anh nào đâu có khoản tiền lớn đó, thành ra thằng con ấm ức. Về quê nhà thì đầy việc nhưng nó chẳng chịu làm, chê làm nông vất vả, học đại học xong lại đi về làm ruộng vườn. Cái nghề từ thời ông cha, nghèo hèn và cơ cực, nên nó không chịu làm. Rồi nó lại đi làm ở công ty. Nhưng chẳng chỗ nào được lâu. Chán đời, nó đâm ra rượu chè, cờ bạc cả ngày, lâu lâu lại bị công an truy hỏi. Cả nhà anh bây giờ thành ổ ma men. Bố xỉn, con say, vợ chửi, mẹ khóc...
>> Giỏi chơi đàn nhưng học Y để chiều lòng cha mẹ
Rồi anh chốt hạ một câu làm tôi suy sụp theo anh, "tôi thất bại rồi chú ạ". Bà chị dâu nảy giờ ngồi bên cạnh cũng ngậm ngùi cầm cái nón rách quạt phe phẩy, sụt sùi: "Khổ lắm chú ạ, anh chị làm VAC đủ cả, nhưng ao hai, ba cái bây giờ chỉ nuôi nước trắng; chuồng heo, gà, vịt...cũng bỏ không; vườn đủ loại cây không ai chăm sóc, cỏ mọc ngang đầu... tất cả đều bỏ hoang cả. Con cái lại đi mơ công việc cao sang, không muốn chân lấm tay bùn, hèn mọn. Không hiểu tại sao nó lại nghĩ như vậy?".
Sau khi tiếp chuyện anh chị một hồi, tôi đi ra vườn để thăm khuôn viên nơi làng quê yên bình. Quả thực, đấy là một khu ruộng vườn lý tưởng mà nhiều đại gia ở thành phố đang mơ ước. Nhưng có điều, chỗ nào cũng làm một tý rồi bỏ dỡ. Ao chỗ thì nuôi cua, nuôi ốc, chỗ thả vịt, thả bèo... Chuồng trại cũng chỗ nuôi thỏ, thả gà... hầu hết là bỏ không. Những hàng cây ăn trái, còi cọc, xơ xác, liêu xiêu như bước chân của anh tôi sau khi "đánh răng" bằng một ca rượu. Sau khi rảo bước thăm thú một vòng, tôi vào nhà để tạm biệt anh chị để ra về.
Từ hôm về quê và viếng thăm người thân đó, tôi suy nghĩ rất nhiều, ám ảnh về những nỗi buồn bã, thất vọng hiện trên đôi mắt của bậc làm cha, làm mẹ kia với con cái. Câu hỏi vẫn còn bỏ trống của bà chị dâu, tôi muốn đi tìm lời giải: "Tại sao người trẻ bây giờ chỉ theo đuổi những công việc được cho là cao sang, và lại có khái niệm về một công việc nhà nông là bần hèn, thấp kém? Có hay không công việc cao sang với bần hèn?
Tôi nhớ lại ngày trước, khi tôi đi học tiếng Anh với vài giáo viên người nước ngoài, và nói về chủ đề nghề nghiệp, một vài học viên trong lớp nói rằng: "Nghề bác sỹ là nghề cao quý", "nghề giáo viên là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý"... Tôi thấy vị giáo viên ngoại quốc rất ngạc nhiên với lối tư duy kiểu đó. Có lẽ, khi nghe học viên giải thích như vậy, ông thầy Tây đang bối rối kiểu "hình như ta không thuộc về thế giới này...".
Liệu một vị bác sĩ "ăn tiền" đút lót, những quan chức y tế liên quan vụ Việt Á; những giáo viên yếu kém bỏ cả bao tiền ra để mua việc, đồng thời đẩy những đồng nghiệp có năng lực, yêu nghề sang một bên; những người thầy lạm dụng tình dục học sinh; những vị lãnh đạo ngành Giáo dục nâng điểm, lộ đề thi để hốt bạc... có phải là những người đáng kính, làm công việc cao quý?
Tôi đọc một số sách nước ngoài, họ lý giải rằng chẳng có nghề nào là cao quý hơn, cũng chẳng có nghề nào bần hèn. Một cô lao công quét rác lầm lũi, lương thiện, làm đẹp cho phố phường, vẫn cứ hơn một ông bác sĩ, quan chức y tế tham nhũng chứ? Một anh thợ điện miệt mài để đưa ánh sáng về các thôn bản vùng xa còn đáng kính hơn vạn lần ông thầy giáo nâng khống điểm thi chứ?
Có lẽ vì giới trẻ đang bị thứ tư duy lệch lạc làm ảnh hưởng, nên chúng mới chê làm nông là bần hèn, thấp kém. Tại sao nó không nuôi ốc nhồi như Moza soạn nhạc, không chăm cây bưởi vườn nhà như Shakespeare làm thơ để thấy rằng làm nghề nào không quan trọng, miễn là lương thiện, quan trọng là anh làm nó như thế nào?
Sự "đứt gãy" trong gia đình anh tôi cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho sự can thiệp thô bạo của cha mẹ vào việc lựa chọn nghề nghiệp của con mình. Cháu tôi có lẽ đã khác nếu được theo đuổi đam mê làm chính trị của mình thay vì bị đẩy vào con đường Dầu khí, để rồi giàu chẳng thấy khí, cũng theo mây. Hoặc giả trên con đường chính trị, cháu có vấp ngã, nhưng nếu đó là sự lựa chọn chủ động của mình thì cháu cũng có thể tự chịu trách nhiệm và vẫn có thể rẽ sang một hướng khác, công việc khác có hứng thú hơn. Còn bây giờ, hình như cháu muốn trả thù cho sự áp đặt từ bố.
Ở Việt Nam, vẫn tồn tại những thứ, những tư duy mà đáng lẽ ra đã phải bị khai tử từ lâu. Chúng ta vẫn ôm khư khư những thứ thế giới văn minh đã bỏ vào sọt. Cũng tương tự chúng ta lại bài trừ những tư duy mới mà thế giới tung hô. Điều đó đã làm cho đàn chim gãy cánh trên con đường bay về hòn núi bạc.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.