"Tôi đam mê đọc và viết từ nhỏ. Lớp sáu, tôi đã viết báo để kiếm tiền tiêu vặt. Lớp 10, tôi ra mắt quyển truyện nhỏ về tuổi học trò. Tôi luôn ước mơ trở thành nhà văn, nhà biên kịch. Nhưng khi thi đại học, tôi đã chọn một trường kỹ thuật. Ra trường, tôi làm việc rất chăm chỉ, gặt hái được nhiều thành công và thu nhập rất tốt.
Con đường đang rộng mở thì tôi đổ bệnh. Bác sĩ khuyên bỏ nghề. Tôi từng nghĩ đến chuyện quay lại viết lách. Nhưng rồi khi các trường đại học xét tuyển học bạ, tôi nộp hồ sơ và trúng tuyển vào một ngành khoa học. Các bạn học trong lớp kém tôi mười mấy tuổi. Sau 5 năm miệt mài, tôi đã tốt nghiệp và đang chờ hết dịch để bắt đầu công việc mới.
Lâu lâu, tôi vẫn viết lách này kia khi rảnh, vẫn làm thơ đăng lên trang cá nhân. Bạn bè khuyên mang thơ đi đăng báo, lấy nhuận bút, nhưng tôi chỉ cười. Tôi còn có trò viết nối tiếp thơ của các bạn, khi bạn bè đăng một hai câu thơ ngắn lên mạng, tôi lại hứng chí vào viết tiếp, nối dài bài thơ đó ra, hoàn toàn vui vẻ. Tôi cũng từng ấp ủ ý tưởng một kịch bản phim từ rất lâu, nhưng đến giờ vẫn chưa viết xong.
Có thể nói, đam mê với văn chương trong tôi là vô cùng cháy bỏng, nhưng cuộc sống đủ đầy cho bản thân và vợ con cũng là chuyện không thể bỏ qua. Cho nên tôi luôn chăm chỉ làm tốt công việc của mình để kiếm tiền. Còn đam mê, tôi có thể làm khi mình thích. Cuộc sống nên phân biệt giữa thực và mơ".
Đó là quan điểm của độc giả Uyển Anh xung quanh câu chuyện "Không bỏ việc nhàm chán để chạy theo đam mê". Những câu chuyện về những người nghỉ việc, theo đuổi đam mê rồi thành công từ lâu đã gieo vào tiềm thức của nhiều thế hệ niềm tin về giấc mơ đổi đời. Cũng từ đó, phong trào "theo đuổi đam mê" rộ lên trong giới trẻ. Thực tế, có người sẽ hạnh phúc theo đuổi ước mơ của mình khi họ biết chính xác nó là gì? Nhưng một số khác lại nhận ra đam mê và khao khát theo đuổi nó không đủ để nuôi sống họ.
Không ủng hộ quan điểm bỏ việc để theo đuổi đam mê, bạn đọc A-ko cho rằng: "Tôi cũng dùng công việc không đam mê để có điều kiện tài chính theo đuổi đam mê. Tôi có thể dành thời gian cho đam mê những lúc gác lại công việc nhàm chán hàng ngày, để cảm thấy thư giãn, thoải mái, và khiến cuộc đời thêm thi vị. Chứ nếu dùng đam mê để kiếm tiền thì sẽ sớm vỡ mộng.
Tôi rất thích làm content, viết về các chủ đề mình thích như game, máy tính, truyện tranh, anime... Thỉnh thoảng, tôi viết bài gửi lên một số kênh Youtube và làm cộng tác viên không thường xuyên của họ. Thấy kịch bản mình viết được ủng hộ, tôi rất vui, nhưng một tháng cũng chỉ được 3-4 bài viết, nhìn số lượt view để làm động lực viết thêm mỗi khi có thời gian. Nhưng nếu tôi làm nội dung full-time, ngày nào cũng phải viết, nội dung phải đạt đúng lượng view nhất định và sẽ sớm cạn vốn, khi đó sẽ cảm thấy áp lực vô cùng".
>> Học kinh tế làm gì khi không có đam mê
Đồng quan điểm, độc giả Kien Nguyen Ngoc nêu ý kiến: "Tôi nhớ cố nghệ sĩ Trần Lập của ban nhạc Bức Tường từng nói: "Người ta đi hát để kiếm tiền, chúng tôi kiếm tiền để được đi hát". Tôi nghĩ đây mới là con đường đúng đắn để theo đuổi đam mê. Những cuốn sách viết về đam mê mà các bạn đọc hầu hết xuất phát từ Mỹ và châu Âu. Những nước đó có chế độ phúc lợi đủ lớn để kể cả bạn không làm gì cũng có trợ cấp xã hội. Nhưng ở nước ta, điệu kiện hiện tại không cho phép làm thế. Nên bạn phải đi làm để nuôi đam mê, đừng nghĩ kiếm tiền từ đam mê vì chỉ những thiên tài mới làm được điều đó. Nếu bạn vẫn nghĩ phải kiếm tiền từ đam mê, hãy xem lại đam mê của bạn là thứ bạn theo đuổi hay là tiền, từ đó định hướng lại cuộc sống của mình".
Bày tỏ suy nghĩ về câu chuyện theo đuổi đam mê, bạn đọc Lâm cho rằng: "Đã gọi là đam mê, là cái mà mình thích thì đừng nghĩ đến chuyện kiếm tiền từ nó. Bạn đi làm công việc mà bạn không đam mê để nuôi sống bản thân, tích cóp để thực hiện cái đam mê ấy trong lúc rảnh rỗi, đó mới là điều nên làm.
Thuở nhỏ, tôi rất thích guitar classic vì âm thanh hút hồn của nó. Nhưng, năng khiếu âm nhạc của tôi không đủ để thi vào nhạc viện. Lớn lên, học xong đi làm, có điều kiện, tôi mua một cây guitar, giá cả tương đối, rồi bắt đầu thuê thầy dạy kèm, tự học, tự tập. Khi biết chơi kha khá, tôi tự chơi, tự nghe vậy thôi.
Đam mê là như vậy, chứ đòi hỏi vừa theo đuổi đam mê, vừa thành đạt bằng cái đam mê ấy thì có lẽ cả triệu người cũng không biết có kiếm nổi một người làm được không? Nếu thật sự có người như vậy, tôi tin chắc chắn đó là người rất nổi tiếng rồi".
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.